DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 22/01/2014 22:29
Ảnh: Đức Tùng
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết “Hoa ban nở thành người con gái Thái”... Cách ví von, so sánh của thi nhân rất chân thật. Thật đến nỗi người Thái cũng phải ngỡ ngàng. Mùa hoa ban nở thường là sau tết cổ truyền của dân tộc Việt (khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm). Dịp này, mời bạn lên Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng để thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa núi rừng này. Cánh ban mỏng manh, trắng muốt. Cũng có loài ban hơi phớt hồng, phai tím. Hoa ban thường mọc bên các sườn núi, đất đai càng cằn cỗi thì cây càng cho nhiều hoa, màu sắc càng rực rỡ. Chính vụ, ban như nở từ đỉnh núi chảy xuống lòng thung, chảy vào vườn nhà dân.
Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cũng lam lũ, chịu thương chịu khó như người con gái Thái trong thơ Trần Mạnh Hảo, nhân dân 18 dân tộc còn lại của tỉnh Điện Biên đang thi đua lao động sản xuất, hướng tới 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mới đó mà đã một vòng hoa giáp. Chiến trường đổ nát ngày nào vương vãi xác bom, với bao công sức, mồ hôi đổ xuống để cho Điện Biên hôm nay đường sá thênh thang, nhà cao tầng mọc lên san sát, đồi xanh và đồng lúa cũng xanh. Với các bản làng vùng cao thì điện sáng mường, đường về tận bản, giúp nhân dân đi lại, thông thương hàng hóa dễ dàng. Chuẩn bị cho sự kiện chính trị trọng đại 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2014), thời gian qua, tỉnh Điện Biên đang dồn cả tâm và lực kiến thiết cơ sở hạ tầng, nhất là việc trùng tu, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử, chỉnh trang đô thị. Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ A1, Sân vận động tỉnh... là những hạng mục được tỉnh quan tâm đặc biệt, lồng ghép, bố trí nhiều nguồn vốn để tập trung xây dựng. Mặc cho trời rét cắt da cắt thịt mùa đông miền sơn cước, nhưng kỹ sư, công nhân các nhà thầu vẫn khắc phục khó khăn, tăng ca tăng kíp, áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến để đạt hiệu quả cao nhất. Lễ hội hoa ban - một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dự kiến khai mạc vào tối 13/3/2014, đúng ngày 60 năm trước chúng ta khai hỏa phát súng đầu tiên nã vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.Chuẩn bị cho lễ hội hoa ban, hai năm (2011 - 2012), tỉnh Điện Biên đã có dự án trồng cây ban tại một số trục đường chính thuộc T.P Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, quanh các điểm di tích lịch sử. Tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, nơi diễn ra Tuần lễ văn hóa và lễ hội hoa ban, những cây ban trắng như đoán được sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình, chỉ sau 2 năm trồng, chăm sóc đã xỏa bóng, đang nảy lộc đâm chồi đón xuân và sẵn sàng bung cánh chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Du khách đến với Điện Biên những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cũng như dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tới đây, chắc chắn sẽ cảm nhận được tấm chân tình, lòng hiếu khách của người bản xứ. Dù lạ dù quen, khi đã đến với Điện Biên thì hãy ở lại vài ngày, hãy trải lòng với bà con, để cùng thưởng thức các món đặc sản: cơm lam, thịt trâu nướng, thịt hun khói, món lạp... Và du khách hãy một lần nếm thử loại rượu ủ từ men lá rừng để biết cảm giác say từ trong tim; say để tình yêu thương cháy lên và truyền từ tim tôi sang tim bạn, giống như vòng xòe Thái, càng cháy càng đượm, càng rộng vòng xòe càng chặt tình thương yêu. /uploads/news/2014_01/7777777777777777777777.jpg Ảnh: Đức Tùng Hoa ban thì nhiều nơi có. Không chỉ Tây Bắc mà vùng tây Nghệ An cũng nở rộ mỗi độ ra giêng. Tuy nhiên, hoa ban Điện Biên có vẻ đẹp riêng, rất lịch lãm và thuần khiết. Bên mâm cơm đạm bạc, khi trà dư tửu hậu, những cô gái Thái bắt đầu thể hiện tài nghệ của mình bằng những lời ca, điệu múa uyển chuyển, mềm mại như cánh ban. Nhiều du khách sau khi đến Điện Biên, được ăn các món đặc sản do người Thái chế biến và các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” đã thốt lên rằng: Đúng là văn hóa Thái Điện Biên vẫn còn lưu giữ được bản sắc. Kinh tế thị trường làm nhiều thứ thay đổi, nhiều thứ giao thoa, nhưng đồng bào các dân tộc ở Điện Biên vẫn biết sàng lọc, lựa chọn những gì đáng hòa nhập và những gì cần phải bảo tồn, lưu giữ cho thế hệ sau. Nhắc đến Điện Biên là nhắc đến hoa ban, biểu tượng người con gái Thái, cũng là thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trên vùng phên giậu cực tây Tổ quốc. Mặc dù xa xôi, cách trở về địa lý, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn “cắm rễ sâu” trong lòng đất mẹ. Họ quyết tâm giữ bản, giữ mường, không để cho kẻ xấu lợi dụng nói xấu, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, từ đó yên tâm, chăm chỉ làm ăn, giống như con ong ngày ngày hút mật ngọt dâng đời.