DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 23/12/2013 20:05
Công an huyện Điện Biên Đông tuyên truyền cho nhân dân xã Háng Lìa về hoạt động phòng, chống mua bán người. Ảnh : Thành Trung
Thời gian gần đây, cùng với nhiệm vụ đấu tranh, phát hiện và triệt phá các đường dây mua bán người thì công tác truyền thông đang được coi là hoạt động tiên phong trong việc phòng ngừa đối với loại tội phạm nguy hiểm này.
Là một tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, Điện Biên có hơn 400km đường biên giáp với Lào và Trung Quốc. Cùng với cả nước, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, song tình trạng mua bán người và hoạt động của tội phạm mua bán người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) có chiều hướng tăng. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã đấu tranh quyết liệt với các tội phạm và tệ nạn này nhưng đang gặp rất nhiều trở ngại do địa bàn hiểm trở; tình trạng mua bán người thường ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người nên rất khó phát hiện. Đó là những nguyên nhân khiến Điện Biên luôn được xác định là địa bàn phức tạp về hoạt động của tội phạm buôn bán người.Trong các mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, công tác tuyên truyền được xác định là mũi nhọn quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trình độ hiểu biết pháp luật, vận động, giáo dục nhân dân; nhất là đồng bào các dân tộc vùng biên giới nâng cao tinh thần cảnh giác nhằm tích cực phòng, chống các thủ đoạn, hành vi của tội phạm mua bán người.Vào thời điểm cuối tháng 4/2013, thông tin về 01vụ mua bán người đã làm dư luận xôn xao. Theo Công an tỉnh Điện Biên cho biết, chiều 26/4 tại chốt kiểm soát giao thông ở khu vực Nậm Loỏng thị xã Lai Châu, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu phát hiện, bắt quả tang Giàng Thị Dung, SN 1974, HKTT tại thôn Pàng Dề A2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa đang trên đường đưa cháu Chang Thị Dinh, SN 1997 cùng bản với Dung sang Trung Quốc bán. Trước đó một tháng, cũng chính Dung đã lừa 2 phụ nữ khác cùng xã sang Trung Quốc bán.Hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biết hết sức phức tạp, các đối tượng thường tập trung vào một số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; phụ nữ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thiếu việc làm, nhẹ dạ cả tin, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế để tiếp cận. Mặt khác, chúng còn lợi dụng phong tục, tập quán (cướp vợ) của đồng bào dân tộc để lừa gạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán. Nhiều nạn nhân bị chính người thân lừa. Trên thực tế, thời gian qua lực lượng chức năng tại Điện Biên đã đấu tranh khám phá nhiều vụ án liên quan tới buôn bán người, song tình trạng mua bán phụ nữ vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận hàng trăm trường hợp phụ nữ và trẻ em vắng mặt không khai báo tại địa phương, nghi là bị bán sang bên kia biên giới hoặc đang bị ép buộc lao động tại các cơ sở sản xuất “chui” tại một số địa phương trong nước.Từ thực trạng cấp bách trên, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chương trình hành động Phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 26/3/2013. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan báo chí; phòng VHTT và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với cơ quan chức năng cùng các cơ quan liên quan, dành vị trí, thời lượng và diện tích thích hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người của Trung ương và địa phương. Phối hợp với các lực lượng chức năng của 2 nước Lào, Trung Quốc trong việc tuyên truyền phòng ngừa và tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới; tuyên truyền các mô hình, gương điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn.Báo Điện Biên Phủ, Đài PTTH tỉnh đã bám sát tình hình thực tế của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo chuyên đề; kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, những tấm gương điển hình tiên tiến, năng động, tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Là thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm mua bán người, Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên đã biên soạn và xuất bản 20.000 tờ gấp chuyên đề về phòng chống mua bán người, phát hành đến 100% xã, phường, thị trấn để tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp biên giới Việt - Lào, Việt - Trung hiểu để cảnh giác. Đồng thời, Sở đã thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến phòng, chống tội phạm mua bán người thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn và thực hành kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phát ngôn, kỹ năng tuyên truyền, viết tin bài cho cán bộ làm công tác thông tin truyền thông cấp huyện, xã và các cán bộ phụ trách các Đài truyền thanh cấp xã theo Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Qua công tác truyền thông góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh./.