DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 16/06/2014 22:04
Kiểm tra hoạt động chuyển phát báo, tạp chí đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số luôn được Sở TT&TT Điện Biên quan tâm (ảnh: Minh Đức)
Trong đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 và trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, báo cáo để Quốc Hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành, Trung ương xem xét giải quyết. Ngày 13/6/2014 Đoàn Đại biểu Quốc Hội đã có văn bản số 46/ĐĐBQH-VP về việc Tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri của các Bộ, ngành. Ban Biên Tập trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông xin trích giới thiệu nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với một số ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Điện Biên.
. Kiến nghị: Việc cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiệu quả không cao, đề nghị xem xét lại chương trình này. Trả lời: Theo Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn cả nước. Ủy ban dân tộc là cơ quan thường trực thực hiện đề án này, chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan quản lý, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện chính sách và những vấn đề khó khăn, vướng mắc, phát sinh, đề xuất biện pháp giải quyết mang lại hiệu quả cho đề án. Việc triển khai thực hiện đề án bước đầu đã có những kết quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như sau: - Việc cấp các ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 2472/QĐ-TTg được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, đủ số lượng, đủ đầu báo và đúng địa chỉ đối tượng thụ hưởng. - Đại đa số các trưởng thôn, bản đều biết viết, biết đọc. Số lượng người có uy tín không đọc hoặc ít đọc là người già yếu, mắt kém hoặc không biết chữ chiếm tỷ lệ thấp. - Hầu hết các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp có nội dung, hình thức phong phú, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về dân tộc đến với đồng bào dân tộc thiểu số. - Thông qua các tin, bài ảnh trên báo, tạp chí đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, chống tái mù chữ. Nhiều cán bộ, đảng viên tích cực tìm hiểu những kiến thức hay trên sách, báo về truyền đạt lại cho bà con. Nhiều gia đình đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư đưa các giống lúa, ngô, giống cây ăn quả có năng suất cao vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. - Tác động tích cực vào nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc; giáo dục con cháu cố gắng học tập để trở thành người tốt, công dân hữu ích cho xã hội; bình đẳng giới; nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe nhân dân và giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của những thế lực thù địch…từ đó góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án cũng không tránh khỏi một số khó khăn, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới như: Công tác phối hợp ngành, cơ sở chưa được thường xuyên; việc quản lý, bảo quản, lưu trữ các báo, tạp chí hiệu quả chưa cao; việc vận chuyển, cấp phát báo, tạp chí nhiều khi còn chậm, muộn do đặc điểm địa lý, điều kiện giao thông vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn; nhiều địa phương còn khó khăn, thiếu tủ để báo, tạp chí, thiếu bàn ghế để ngồi đọc nên ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng báo, tạp chí; đa phần bà con dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp nên nhận thức của người làm công tác thông tin tuyên truyền với người được nhận báo, tạp chí còn nhiều bất cập; một số tờ báo thông tin tuyên truyền còn dàn trải chưa bám sát đời sống, nhu cầu của người dân tộc…làm hạn chế hiệu quả thực hiện của đề án. Với vai trò là cơ quan phối hợp thực hiện đề án, Bộ TTTT đã tích cực tham gia phối hợp Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện đề án; cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí, các loại báo, tạp chí phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định 2472/QĐ-TTg đúng tôn chỉ, mục đích. Chỉ đạo, kiểm tra việc vận chuyển, phát hành các ấn phẩm báo chí đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ đối với bưu tá xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, phát hành các ấn phẩm báo chí phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đề án và có những đề xuất đánh giá chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm báo chí; điều chỉnh, bổ sung số lượng các ấn phẩm báo chí cấp phát; nâng cao chất lượng chuyển phát ấn phẩm báo chí; quản lý, tuyên truyền và khai thác hiệu quả các ấn phẩm báo chí cấp phát cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tham gia chương trình kiểm tra việc thực hiện đề án; kiểm tra sổ sách, khảo sát, tiếp xúc với các cấp quản lý, các đối tượng thụ hưởng tại thôn, bản, xã, huyện tại tỉnh và có những đề xuất, kiến nghị trong việc triển khai thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nội dung đổi mới với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của việc cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 2. Kiến nghị: Các ngành chức năng, các cơ quan truyền hình, báo chí, đài truyền thanh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo ở nước ta cho mọi người dân và bạn bè quốc tế được rõ; các cơ quan chức năng cần thông tin chi tiết và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Trả lời: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, họ không chỉ có đức tin và sự cố kết tôn giáo của mình, mà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hiện nay, nước ta có 12 tôn giáo với 32 tổ chức đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân; hoạt động hợp pháp dưới sự bảo hộ của pháp luật (có 6 tôn giáo ngoại nhập và 6 tôn giáo nội sinh). Thực hiện đại đoàn kết toàn dân (trong đó có đoàn kết tôn giáo) làm việc có ý nghĩa quyết định để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của lực lượng Cách mạng Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách đoàn kết các tôn giáo trong khối đoàn kết dân tộc để tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhiều năm qua, báo chí cả nước đã luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, định hướng dư luận xã hội, góp phần vào việc ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước. Việc tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trên các báo chí được chú trọng, tập trung vào các nội dung như: Các văn kiện Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lện tín ngưỡng, tôn giáo… và mới đây là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng. Qua tuyên truyền, báo chí đã làm nổi bật các nội dung cụ thể nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; động viên đồng bào tích cực đóng góp xây dựng quên hương, đất nước; đồng thời báo chí cũng tích cực đăng tải nhiều tin, bài đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực xấu lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta; đấu tranh chống lại các hoạt động của tà đạo và mê tín dị đoan. Tuy nhiên xét về tổng thể, hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách tôn giáo trên báo chí còn chưa đồng đều và chủ yếu tập trung vào một số điểm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một phần là do tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo là một việc khó và nhạy cảm, nhiều phóng viên hiểu biết chưa sâu sắc ngại đụng chạm vì sợ sai sót; mặt khác, công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí cũng có lúc chưa được cơ quan chủ quản quan tâm thỏa đáng, chưa có định hướng cụ thể, tính năng động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu trong đời sống tôn giáo hiện nay. Trong thời gian tới, để báo chí làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực tôn giáo, việc tổ chức tuyên truyền phải chặt chẽ hơn, mỗi cơ quan báo chí cần có cách tiếp cận hợp lý trên cơ sở tài liệu được cung cấp. Các cơ quan quản lý tôn giáo cần có sự phối hợp hơn nữa với Bộ TTTT trong việc cung cấp thông tin, có định hướng thông tin cho báo chí, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo chí để tuyên truyền trúng, đúng, hiệu quả.