DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 17/07/2013 20:36
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn
DIC-Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đưa ra hai nguyên nhân để sửa đổi Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là từ thực trạng cơ quan công quyền né tránh báo chí và sự bùng nổ của mạng xã hội.
Ngày 17/7, tại hội nghị triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khu vực phía Nam, Cục trưởng Cục báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết, so với quy chế cũ, Quy chế sửa đổi (hiệu lực ngày 1/7) có 8 điểm đổi mới về người phát ngôn, thời hạn phát ngôn, xử lý vi phạm… Cơ quan công quyền né báo chí Trả lời báo chí bên hành lang hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, hai nguyên nhân quan trọng để có Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (sửa đổi) là từ việc né tránh phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước và thực trạng các trang mạng xã hội đang nổi lên hiện nay. Thứ trưởng cho rằng, trong quá trình thực hiện quy chế cũ, có một số cơ quan né tránh, từ chối và gây khó khăn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. “Có những nơi cung cấp chậm, cá biệt có trường hợp cung cấp sai, không giải quyết được nhu cầu về thông tin mà còn làm nhiễu thông tin trong xã hội gây phân tâm cho người dân. Vì thế, quy chế mới ra đời để điều chỉnh thực trạng này”, ông Doãn nói. Trong 5 năm qua có sự bùng nổ các trang mạng xã hội, Thứ trưởng Doãn cho hay, đó cũng là nguyên nhân cần phải có quy chế mới để tạo điều kiện cho báo chí chính thống phát triển, tiếp cận thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất. “Nếu báo chí chính thống thông tin không kịp thời hoặc cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí không kịp thời thì các loại thông tin khác có thể sẽ là những loại thông tin điều chỉnh các vấn đề trong xã hội”, ông Doãn lý giải về sự cần thiết phải có quy chế mới. Ông cho rằng, đây cũng là một thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. “Trong một xã hội mở, một thế giới phẳng, nếu chúng ta không thông tin thì các trạng mạng xã hội sẽ thông tin. Do vậy, báo chí truyền thống phải chiếm lĩnh”, ông Doãn nói. Sợ bị hiểu nhầm khi phát ngôn với tư cách cá nhân Điểm sửa đổi chính của quy chế là cá nhân được phát ngôn với báo chí nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước. Vấn đề đặt ra ở chỗ, báo chí ghi chức danh ngay sau tên của người phát ngôn với tư cách cá nhân nhằm tạo độ tin cậy cho thông tin là chuyện bình thường. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, đây là một trong những điều mà trong nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước cũng như những người được phân công trách nhiệm phát ngôn còn chưa đầy đủ. Chức danh cá nhân của người phát ngôn không phải để khẳng định là đại diện cho cơ quan hành chính nhà nước. “Tôi là công dân, tôi phát ngôn ở góc độ Thứ trưởng nhưng vẫn là tư cách cá nhân. Tuy nhiên, khi tôi là Thứ trưởng thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông thì là đại diện cho cơ quan hành chính nhà nước, hai cái này hoàn toàn khác nhau. Khi báo chí chỉ ghi tên của tôi mà không ghi là Thứ trưởng thì chỉ như ông bình thường, nhưng khi một công dân là Thứ trưởng thì uy lực sẽ khác, độ tin cậy sẽ khác”, Thứ trưởng nói. Vì thế, Thứ trưởng cho biết, khi xác định rõ vấn đề này thì chắc chắn không ai e ngại và sợ là mình bị hiểu lầm khi phát ngôn với tư cách cá nhân. Từ chối phát ngôn có thể bị khởi kiện? Trả lời câu hỏi hiện nay có nhiều cơ quan cản trở báo chí và từ chối phát ngôn, quy chế mới có đưa ra khung xử lý nhưng quy trình xử lý ra sao và ai là người xử lý, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho hay vấn đề này sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định về xử lý vi phạm hành chính. “Tôi nghĩ, quy trình đó sẽ thế này: Trong quá trình tác nghiệp của báo chí hay thậm chí của người dân, cơ quan hành chính nhà nước không làm đúng chức trách phận sự của mình thì những người tham gia có quyền khởi kiện hoặc có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Ở địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở có thanh tra chuyên về lĩnh vực này sẽ xem xét, thụ lý và có thể xử lý. Phía Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có thanh tra của Bộ”, ông Đỗ Quý Doãn khẳng định. Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sửa đổi, ngoài người phát ngôn chính thức, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cá nhân này khi cung cấp không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, chịu trách nhiệm về nội dung cung cấp… Thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin cũng được rút ngắni. Trong trường hợp đột xuất, bất thường cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 2 ngày. Quy chế mới sửa đổi rút ngắn xuống còn chậm nhất 1 ngày. 3 người có thể phát ngôn gồm: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn, người được người đứng đầu ủy quyền phát ngôn. Số điện thoại và địa chỉ email phải được công bố công khai.