DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 06/04/2014 20:40
Cựu chiến binh Điện Biên Phủ thăm hầm bại tướng Đờ cát. Ảnh: Thu Loan
Dịp này, mang trong tim “lời tri ngộ 60 năm”, từ khắp nơi trong nước khách du lịch nườm nượp theo nhau lên thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Người Điện Biên được dịp trải lòng mình với bạn, qua hàng loạt hoạt động thuộc rất nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội, đã và đang diễn ra nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...
60 năm trước, vào những ngày này quốc lộ 41 lửa đỏ từng cung đường. Theo đề nghị của Đờ cát - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - lệnh của Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - là không quân Pháp phải oanh tạc quốc lộ 41 với tần suất cao nhất, trong suốt 48 ngày đêm, để ngăn cản sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Còn hôm nay, sau 60 năm “Đường ta rộng thênh thang ta bước”, quốc lộ 6 (quốc lộ 41 trước kia) trải dài trong sắc trắng hoa ban, đưa du khách về với Điện Biên bằng những chuyến “boeing mặt đất”. Còn đó con đường chinh chiến hôm nào, từng kỷ niệm ào ạt hiện về. Đây Cò Nòi, đây Pha Đin, đây Nà Tấu, Nà Nhạn... con đường kéo pháo như còn vọng về tiếng “hò dô” trầm hùng; như còn vọng về tiếng chão nghiến vào những đôi vai trần rớm máu; như còn đây hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện chỉ một giây thôi đã đi vào cõi trường sinh.Và đây, thành phố Điện Biên Phủ là thế này đây. Những dài dọc rộng ngang theo trục đường chuẩn bị mang tên Võ Nguyên Giáp, như đề án mới được thông qua tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XIII (31/3-01/4/2014). Ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, các trận đánh hầu hết thực hiện vào ban đêm. Chiến thắng, bộ đội hành quân về xuôi chỉnh huấn, chỉnh quân, nên ít người được biết mảnh đất mà mình góp phần xương máu hình hài nó thế nào. Nay gặp lại, nói là “gặp” nhưng thực ra là “thấy” lần đầu, nên nhiều cựu chiến binh không khỏi ngỡ ngàng trước một thành phố trẻ đang bừng lên sức sống. Nếu đường phố Điện Biên Phủ trắng màu hoa ban, thì trên ngực các cựu chiến binh Điện Biên Phủ đỏ thắm những “bông” huân, huy chương các loại. Và nữa, trong lồng ngực họ, con tim đang thiết tha giục bước trở về nơi cảnh xưa còn đó nhưng người cũ nay đâu...Với khách du lịch là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, thường điểm đầu tiên họ đến là nghĩa trang A1. Những “đồng đội cũ gặp nhau” mà không thể tay bắt chặt cho mắt rưng rưng, thay vì nhờ nén hương nói hộ nỗi lòng với những người xa mặt cách lời. Đó là những chiến sỹ của các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 312, 316 và sư đoàn công pháo 351. Sáu mươi năm trước, họ là những người đi qua trận đánh 56 ngày đêm với chí trai “thù nhà nợ nước”. Sáu mươi năm sau, họ trở về chiến trường xưa mong sao có một phút chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để nhớ lại cái thời quần nhau với địch giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối. Nghĩa trang A1 nằm dưới chân đồi A1, nơi giọt máu đào của các anh vệ quốc đoàn ngày nào đổ xuống, cho bây giờ sự sống lên xanh. Lại nhớ tròn 10 năm trước, sáng ngày 20/4/2004, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cuộc gặp gỡ với hơn 300 cựu chiến binh tỉnh Điện Biên và tỉnh Cao Bằng, cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên. “Tôi muốn nói, gặp lại nhau đây sau 50 năm là quý lắm rồi” - mấy lời gan ruột của “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp, khiến rất nhiều cựu chiến binh đưa bàn tay già nua run run chùi lên khóe mắt rạn vỡ những chân chim. Một đời xông pha nơi hòn tên mũi đạn họ chưa bao giờ rơi lệ, ngay cả khi bị bao vây giữa bốn phía quân thù... Nhưng giây phút này thì họ khóc lên vai nhau, khóc vì chẳng biết trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của kiếp người hữu hạn, biết còn lần nào được “gặp lại nhau” nữa hay không?Và hôm nay (tháng 4/2014) như một sự linh nghiệm, “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn đi xa, trái tim vĩ đại ấy đã ngủ yên trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Như cảm thấy thiếu một cái gì thiêng liêng lắm, bác Nguyễn Đức Công, 83 tuổi, nguyên chiến sĩ trung đoàn 174, đại đoàn 316, đơn vị đánh đồi A1 đợt 3, nghẹn ngào kể: “Địch dùng xe tăng và 2 đại đội Lê dương hăm hở đánh lên hòng giải nguy cho đồng bọn. Từ Hồng Cúm, pháo chúng nó bắn lên như vãi đạn, chiến sỹ ta thương vong rất nhiều, nhưng người này ngã xuống có người kia lên thay. Được sự hiệp đồng tác chiến của trung đoàn 102, đại đoàn 308, quân ta tấn công như vũ bão. Sau tiếng nổ của khối bộc phá 960kg, tất cả bọn sĩ quan cũng như đám gái đầm trong hầm, đều bị chết vì sức ép... Vinh quang lắm nhưng chỉ tiếc dịp 60 năm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn”... Thấm thoát đã sáu thập niên, kể từ thời khắc lịch sử lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tung bay trên nóc hầm Đờcát. 60 năm “sao dời vật đổi”, Điện Biên tự hào đi lên bằng ý chí bất khuất như ngọn Pú Hồng không biết cúi đầu. Từ trong đau thương mất mát, có một Điện Biên đang từng bước phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, tạo ra những “chiến thắng Điện Biên” trong thời đại hội nhập và phát triển. Quả thực, theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh: Trong những năm qua với sự nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội vẫn được duy trì ổn định và phát triển, một số thành tựu nổi bật trong các năm qua, đặc biệt là năm 2013 kinh tế tăng trưởng ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ...; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 20 triệu đồng. Năm 2013, sản lượng lương thực đạt trên 23 vạn tấn, tăng 1,7 lần so với năm 2000, bình quân lương thực trên 420 kg/người/năm; từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây tỉnh ta đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa bán ra bên ngoài. Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay rất lớn. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là phát triển thủy điện nhỏ, giao thông, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2013 vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt gần 7.000 tỷ đồng; tỉnh hiện có 125/130 xã có đường ôtô đến trung tâm, 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 72,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 126/130 xã có điện lưới quốc gia, gần 80% hộ dân được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 3%/năm, riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP giảm bình quân trên 5%/năm... Đánh giá một cách khách quan, từ sự tác động tích cực của hàng chục nguồn vốn, bức tranh toàn cảnh kinh tế - văn hoá - xã hội Điện Biên đã và đang tiếp tục sáng lên, với niềm hy vọng cháy bỏng và những mơ ước dạt dào. Hệ thống phong phú các chương trình, dự án, kế hoạch tạo nên sức mạnh tương hỗ trong đầu tư, đánh thức những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên dành cho Điện Biên. Như mọi người đều biết, chương trình xoá đói giảm nghèo là một chủ trương tầm vĩ mô của Đảng, qua đó, tính ưu việt của chế độ xã hội được thể hiện mà không cần phải lý giải bằng lời. Trên chặng đường triển khai, chúng ta nhận thấy dấu ấn nhập cuộc hăng hái và chủ động của cả hệ thống chính trị xã hội; được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và ngành chức năng quan tâm, bà con các dân tộc đồng tình với tinh thần phấn đấu “Làm một trận Điện Biên Phủ trong hội nhập và phát triển”...