Điện Biên: Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06

Thứ bảy - 24/06/2023 22:45
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Đề án 06) giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, mang lại hiệu quả chuyển biến tích cực trên địa bàn. Đến nay, nhiều nội dung kết quả Đề án 06 đạt được đã góp phần đem lại tiện ích cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 

Công an TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền đến người dân xã Nhạn, TP.Điện Biên Phủ thực hiện Đề án 06.
Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án  06,  Công  an tỉnh Điện Biên đã tập trung nhiều giải pháp, huy động lực lượng triển khai thực hiện, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến người dân và các cơ quan, ban, ngành địa phương thông qua nhiều hình thức như: Qua các  buổi  họp  thôn,  bản; qua mạng xã hội zalo, facebook; qua hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh. Đồng thời, tổ chức ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực được chú trọng thực hiện. Đảm nhiệm vai trò bảo đảm hạ tầng, công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Sở đã triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Phối hợp tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điện Biên là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn cho việc kết nối.
Đến nay, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Tỉnh đã hoàn thành 23 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đồng thời, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trên môi trường trực tuyến.
Hiện nay, tỉnh đã triển khai thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ.
Đến nay, Điện Biên đã thu nhận được hơn 257.000 hồ sơ định danh điện tử (đạt 54,4%); làm sạch dữ liệu khách hàng,  chuẩn  hóa  thông  tin  cho  gần 37.000 thuê bao di động, cấp 34.417 tài khoản ngân hàng miễn phí cho công dân phục vụ thanh toán phí và lệ phí không dùng tiền mặt. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã tiếp tục duy trì, đôn đốc thực hiện quyết liệt các giải pháp “làm sạch” dữ liệu dân cư, đồng thời tăng cường kiểm soát, nhắc nhở hằng ngày đến cấp xã để thực hiện.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu thập và làm sạch 656.251 dữ liệu dân cư  (đạt 100%); thu nhận 478.664 hồ sơ CCCD (đạt 98,9%). Triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu trên Cổng dịch vụ công; tiếp nhận, giải quyết 149.399/299.987 hồ sơ trực tuyến (đạt 65%). Riêng thủ tục thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu, đến nay 100% đều được thực hiện trên môi trường mạng. Thực hiện rà soát, bổ sung thông tin biến động chung về trẻ em và phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở vào cơ sở dữ liệu trẻ em theo quy trình chuẩn hóa của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đạt 78,87%; rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội đạt 98,80% vào phần mềm quản lý và chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06.

Người dân sử dụng công nghệ thông tin trong việc giao dịch chuyển khoản lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn vướng mắc. Việc làm sạch dữ liệu và cập nhật thông tin số căn cước công dân, định danh cá nhân vào cơ sở bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội tỉnh mới đạt 86,3%; do đó, tỷ lệ người dân dùng thẻ căn cước công dân đi khám chữa bệnh chỉ đạt 56,6%. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa cao, một phần do trình độ tin học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; thiết bị tiếp nhận thủ tục hành chính có cấu hình thấp; hệ thống đôi khi còn bị mất kết nối hoặc kết nối chậm.
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ phát sinh trên cổng dịch vụ công trực tuyến  về thủ tục cấp đổi lại giấy phép lái xe còn thấp. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 32,6% người dân không có điện thoại thông minh, 95 bản chưa có dịch vụ thông tin di động và dịch vụ internet băng rộng di động (3G, 4G), 171 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang)... nên ảnh hưởng đến việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Để triển khai hiệu quả và đúng tiến độ Đề án 06 trên địa bàn, thời gian tới, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, giải quyết các “điểm nghẽn” trong triển khai, thực hiện. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, UBND các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và hiệu quả với phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” và “trách nhiệm thuộc về người đứng đầu”. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về Đề án 06, các tiện ích của căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID; huy động các đoàn thể, đi đầu là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ công nghệ số cộng đồng vào cuộc, đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi số.



 

Tác giả: Bài, ảnh: Văn Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây