DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 27/11/2013 19:50
Sở TT&TT kiểm tra cở sở hạ tầng của Công ty Cổ phần Viễn Thông Hà Nội tại xã Thanh Nưa,huyện Điện Biên. Ảnh :P.V
Những năm gần đây tình hình tội phạm phá hủy công trình cơ sở hạ tầng thông tin, xâm hại an ninh thông tin, trộm cắp thiết bị viễn thông... trên địa bàn tỉnh Điện Biên có chiều hướng gia tăng và tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cơ quan, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân đối với công tác đảm bảo an ninh bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin còn hạn chế, nếu không có biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời thì các loại tội phạm và phần tử xấu rất dễ lợi dụng xâm hại an ninh thông tin.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính, (117 điểm phục vụ, 92/130 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, 65 tuyến đường thư...), 06 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, 22 đơn vị có đăng ký tần số vô tuyến điện; (ngoài ra còn có hệ thống vô tuyến điện của các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh) và 02 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập Internet... Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được xây dựng và kết nối thông suốt từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan Nhà nước được kết nối Internet tốc độ cao; 26% xã được kết nối Internet. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được quan tâm nâng cấp, 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN; tỷ lệ máy tính/CBCC trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 82% và cấp xã đạt 14%. Toàn tỉnh hiện có 106 điểm truy cập Internet công cộng; 98/130 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được kết nối Internet băng thông rộng (đạt tỷ lệ 75,4%).Hoạt động của mạng bưu chính, chuyển phát, điểm bưu điện văn hóa xã bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, mạng bưu chính phát triển rộng khắp; các doanh nghiệp viễn thông đã tham gia tích cực vào công tác phát triển hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, tình hình hoạt động trên các lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin hiện nay còn nhiều bất cập như: Ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin của một số tổ chức, cơ sở kinh doanh chưa nghiêm; chưa chấp hành đúng quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện. Quy chế quản lý các điểm bưu điện văn hóa xã chưa chặt chẽ, đặc biệt là các điểm có máy tính kết nối Internet dễ bị các loại tội phạm và phần tử xấu lợi dụng xâm hại an ninh thông tin. Đối với thuê bao di động trả trước, nội dung thông tin cá nhân chưa chính xác, tình trạng sim rác, tin nhắn rác tuy có giảm nhưng chưa chuyển biến mạnh; đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng dịch vụ Internet chưa cao... đã ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thông tin và quốc phòng an ninh.Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước còn bộc lộ sơ hở, thiếu sót trong lưu giữ, bảo quản tài liệu, nhất là dữ liệu máy tính, tạo kẽ hở để thế lực thù địch và các loại tội phạm lợi dụng thu thập bí mật Nhà nước; một số trang thông tin điện tử đã bị xâm nhập, có nguy cơ rủi ro về an toàn, có lỗ hổng bảo mật; đặc biệt nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin vẫn còn yếu...Theo số liệu thống kê, năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 20 vụ mất trộm cáp, thiết bị viễn thông; riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đã xảy ra 11 vụ vi phạm; trong đó có 01 vụ xâm hại hệ thống lưới điện (thuộc hệ thống lưới điện 110KV của huyện Điện Biên), 04 vụ cắt trộm dây cáp viễn thông và 06 vụ cắt trộm dây AC cấp điện cho các trạm BTS... làm mất an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thông tin và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Cùng với đó, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và Internet xâm phạm an ninh trật tự tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, để tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Sở TT&TT tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp BCVT trên địa bàn tỉnh và các đơn vị QLNN cấp cơ sở.Ngoài ra, theo quy chế phối hợp đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo trong định hướng công tác tuyên truyền, hướng dẫn Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có ấn phẩm báo chí... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm có hành vi phá hủy công trình cơ sở hạ tầng thông tin, xâm hại an ninh thông tin, trộm cắp thiết bị viễn thông; từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh cho các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân. Tổ chức hội nghị tập huấn quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thông và tần số vô tuyến điện cho các phòng văn hóa, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá các công trình, mục tiêu trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia làm cơ sở để đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ quyết định...Sở TT&TT đã chủ động chủ trì và tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp với các ngành chức năng (Công an tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý Thị trường...) về đảm bảo an ninh bưu chính, viễn thông, Internet và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin. Chỉ tính riêng năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Thanh tra Sở đã phối hợp tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động bưu chính, chuyển phát, hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, kiểm tra mạng dùng riêng, sử dụng tần số, hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước, hoạt động của đại lý Internet, hoạt động của truyền hình và truyền hình trả tiền... qua đó đã phát hiện xử lý 17 đơn vị vi phạm, 02 đại lý Internet vi phạm đồng thời xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng... Trong thời gian tới, hệ thống mạng lưới và các dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet tiếp tục phát triển nhanh theo cơ chế thị trường; để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho đội ngũ cán bộ CNTT của sở trong việc xử lý các sự cố mạng máy tính đảm bảo an toàn an ninh mạng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, trò chơi trực tuyến (game online), thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác; việc sử dụng thiết bị tần số vô tuyến điện.. Đồng thời phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các đơn vị QLNN cấp cơ sở và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ Internet nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, công trình, phương tiện thông tin… Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn về thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp và công tác quốc phòng - an ninh của địa phương./.