DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 06/05/2019 03:49
DIC - Diễn văn của đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
/uploads/news/2019_05/dienvan1.jpg Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: V.T.C ... Hôm nay, tại Thành phố Điện Biên Phủ, trong niềm phấn khởi và tự hào, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909- 28/6/2019), 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949- 10/10/2019) và kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2019), đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, Tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào, chiến sĩ, lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và lời chào trân trọng nhất. ... Xưa kia Điện Biên là địa bàn của nhiều cộng đồng dân tộc đến cư trú, mang đặc trưng của nền văn hóa Tây Bắc. Phủ Điện Biên được thành lập năm Thiệu Trị thứ Nhất (1841), qua nhiều lần chia tách, sáp nhập từ các Châu, Phủ . Năm 1909, cách đây 110 năm tỉnh Lai Châu được thành lập, nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đã có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính với tên gọi và chế độ quản lý khác nhau. Năm 1955 Khu tự trị Thái- Mèo thành lập, tỉnh Lai Châu giải thể. Năm 1962, Khu tự trị Thái- Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc tỉnh Lai Châu được tái lập. Ngày 26/11/2003, Quốc hội Khóa XI đã ban hành nghị quyết số 22/2003/QH 11 về việc chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh là tỉnh Điện Biên và Lai Châu ngày nay. ... Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Điện Biên, 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường đầy gian nan thử thách, nhưng cũng rất hào hùng của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã và đang sống trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Lịch sử dân tộc đã chứng kiến và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu trong đấu tranh giành độc lập tự do, giữ vững biên cương cũng như trong sự nghiệp bảo về và xây dựng đất nước ta. Ngay từ thế kỷ XIII, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cùng nghĩa quân của Chúa Lự xây dựng Thành Tam Vạn, một công trình phòng thủ ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Thế kỷ XV, khi Vua Lê Lợi đem quân tuần tra vùng biên ải Tây Bắc của Tổ quốc đã cho khắc bài thơ trên vách đá thuộc phường Lê Lợi, thị xã Lai Châu trước đây (nay là thị xã Mường Lay), khẳng định Điện Biên luôn là phên dậu vững chắc của Tổ quốc, trấn giữ phía Tây Bắc của nước Việt Nam ta. Đến giữa thế kỷ XVIII, Thủ lĩnh nông dân áo vải Hoàng Công Chất đem quân tiến lên Điện Biên, liên kết với tướng Ngải, tướng Khanh và nhân dân các dân tộc Điện Biên tiễu trừ giặc Phẻ, xây dựng Thành Bản Phủ, góp phần bảo vệ vùng biên ải của Tổ quốc. Từ những năm 1873 đến năm 1882, thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Bắc Kỳ, nhân dân các dân tộc Điện Biên, Lai Châu, Sơn La dưới sự lãnh đạo của Tù trưởng Đèo Văn Trì, Nguyễn Văn Quang, Đèo Văn Toa đã sát cánh cùng Tướng Lưu Vĩnh Phúc kéo quân xuống miền xuôi, cùng quân đội triều đình đánh thắng quân Pháp tại Cầu Giấy, Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc Điện Biên- Tây Bắc đã đứng lên đấu tranh, bảo vệ bản Mường, mở đầu là cuộc nổi dậy của Lường Sám, năm 1914, tiếp đến là cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc ở Tả Phình (Tủa Chùa) dưới sự chỉ huy của hai thủ lĩnh Chếu và Tếnh năm 1918, cùng với đó là cuộc khởi nghĩa của Giàng Tả Chay... Phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng ra khắp vùng cao của Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Thượng Lào. Các phong trào đấu tranh bị đàn áp và thất bại, song đã gây cho thực dân Pháp những khó khăn và tổn thất khi đặt chân lên mảnh đất này. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (02/1930), Đảng ta đã lãnh đạo phòng trào cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng 8/1945, đã mở ra một kỷ nguyên mới, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, xây dựng các chi đội giải phóng, điển hình là đội quân “Tây tiến”. Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mở đầu cho một cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Để giải quyết tình hình chiến sự tại khu vực Tây Bắc, ngày 29/02/1948, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban xung phong Tây Bắc, để mở một con đường tiến lên Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc thành lập mặt trận Tây Bắc, hoạt động của bộ đội Tây tiến và các đội vũ trang đã tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng nhân dân, xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở Điện Biên, Lai Châu, đòi hỏi phải có tổ chức đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Trước yêu cầu cấp thiết đó, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu, là tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Lai châu ngày nay. Với sự ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, từ đây phong trào cách mạng của Lai Châu trước đây (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu) trở thành bộ phận khăng khít với phong trào cách mạng của cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù số đảng viên ít, số cán bộ lúc đó chưa nhiều, nhưng với ý chí sắt đá, lòng dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc, các cán bộ, đảng viên kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức xây dựng lực lượng, được đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành sự nghiệp cách mạng ở Điện Biên, Lai Châu. ... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tham gia phục vụ chiến trường, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến trường. Ở khắp mọi nơi trong tỉnh, từ vùng thấp, đến vùng cao, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thực hiện phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc”. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào ngày 07/5/1954. /uploads/news/2019_05/dienvan2.jpg Đông đảo người dân tham dự lễ mít tinh. Ảnh: V.T.C Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân cả nước, của đồng bào nhân dân các dân tộc Điện Biên- Lai Châu; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo nhân dân ta thực hiện ý chí, quyết tâm "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Với chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội và là hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá về sự đoàn kết, nhất trí, muôn người như một, tạo thành sức mạnh vô địch, vượt qua mọi thử thách, gian khổ, hy sinh. Tinh thần Điện Biên Phủ luôn ngời sáng và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ đã bổ sung và làm phong phú kho tàng kinh nghiệm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Để rồi, từ chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, chúng ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam và làm nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. ... Sau giải phóng Điện Biên, giai đoạn từ 1955- 1965, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là hơn 2.000 thanh niên tuổi đời còn trẻ từ Thủ đô Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa... và các tỉnh khác đã tự nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và ở lại cùng đồng bào các dân tộc xây dựng tỉnh Điện Biên - Lai Châu, đây là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Cùng với việc chăm lo về phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập. Đảng bộ tỉnh tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào năm 1963. Giai đoạn 1966- 1975: Đảng bộ tỉnh tiến hành 2 kỳ Đại hội lần thứ II năm 1970 và lần thứ III năm 1975. Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Củng cố, kiên trì xây dựng hợp tác xã và phát triển nông trường Quốc doanh. Hầu hết các huyện, xã được đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh. Giai đoạn 1976- 1985: Đảng bộ tỉnh tiến hành 3 kỳ Đại hội lần thứ IV, thứ V, thứ VI. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu nay là Điện Biên và Lai Châu tiếp tụcphát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Tổng sản lượng lương thực năm 1985 tăng 61,15% so với năm 1975; công nghiệp tăng 44%; phong trào học phổ thông, bổ túc văn hóa có bước chuyển biến tiến bộ; công tác y tế được đảm bảo; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, có bước phát triển mới. Giai đoạn 1986- 2003: Đảng bộ tỉnh tiến hành 4 kỳ Đại hội (từ kỳ Đại hội lần thứ VII đến lần thứ X). Sau 17 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo. Các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ. Sản lượng lương thực tăng vượt bậc, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao; duy trì được hệ thống trường lớp nhất là ở vùng thấp, thị xã, thị trấn; đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị; 100% xã, phường có trạm y tế; 1.200 bản có cán bộ y tế; sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao được duy trì và phát triển. Giai đoạn 2004 đến nay: Đảng bộ tỉnh đã tiến hành 3 kỳ Đại hội (từ Đại hội lần thứ XI đến Đại hội lần thứ XIII năm 2015). Sau 15 năm chia tách, thành lập 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân, giai đoạn 2005- 2010, đạt 11,6%/năm, giai đoạn 2010- 2015, GDP bình quân tăng 9,11%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010; GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 8,30%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2018 đạt 264,6 ngàn tấn, gấp 1,55 lần so với năm 2004. Thu ngân sách năm 2018 đạt 9.591,9 tỷ đồng, trong đó thu ngân trên địa bàn đạt 1.255,23 tỷ đồng, tăng hơn 12,2 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,37 triệu đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2004. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn trồng trọt với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành một số vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp (như cao su, cà phê, chè... đặc biệt là cây Mắc ca). Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các mặt VH-XH có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, bình quân giảm từ 3-5%/năm. Chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Giáo dục- Đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; có trên 65% số trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất của ngành Y tế được đầu tư nâng cấp: 100% số xã, phường có trạm y tế trong đó có 24,6% số trạm y tế có bác sỹ. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ. Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai toàn diện, xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một Ban Cán sự Đảng khi mới thành lập chỉ có 20 đảng viên (tháng 10/1949), đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức cơ sở đảng, trên 38.000 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Với những kết quả đạt được, những năm qua, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và các danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập, nhiều Huân chương lao động; đặc biệt là được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động; nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương cao quý, đặc biệt tại Lễ kỷ niệm này Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất. ... Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã rút ra nhiều bài học quý giá, đó là: phải nắm vững các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn của địa phương; không ngừng nâng cao năng lực và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; phát triển kinh tế gắn với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, phẩm chất, năng lực thực tiễn và tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Trong xu thế hội nhập, phát triển và điều kiện thực tiễn của đất nước, Điện Biên đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới để tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Những năm qua, Tỉnh đã xây dựng được nguồn lực nội sinh, làm nền tảng, tạo đà cho quá trình xây dựng và phát triển. Những lợi thế cơ bản đó là: tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch lịch sử, du lịch sinh thái còn rất lớn; nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ và khu vui chơi giải trí, các khu, cụm công nghiệp, nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên Phủ; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Huổi Puốc với Lào, lối mở A Pa Chải với Trung Quốc, có nguồn nhân lực dồi dào, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm... Phát huy những lợi thế cơ bản đó, tỉnh ta đang đứng trước những cơ hội mới đểđẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Để có được những thành tựu nổi bật như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giành cho Điện Biên sự giúp đỡ to lớn về nhiều mặt; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, sự chia sẻ, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu trong suốt thời gian vừa qua. ... Từ những thành tựu và bài học thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên nguyện đoàn kết một lòng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng trong đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp”...