Dũng sĩ cứu pháo đầu tiên trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ
Bài, ảnh: Hà Linh
2019-05-06T21:12:35-04:00
2019-05-06T21:12:35-04:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Dung-si-cuu-phao-dau-tien-trong-Chien-dich-Dhien-Bien-Phu-4138.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 06/05/2019 21:12
DIC - Lật giở từng tập tài liệu ngả màu thời gian, bà Cao Thị Ngọc Diệp đưa ra một tấm giấy khen đã úa vàng, trong đó ghi dòng chữ: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm lái pháo, trong những lúc khó khăn nguy hiểm vẫn bình tĩnh, gan dạ bảo vệ pháo được an toàn. Luôn đi sát động viên đồng đội thúc đẩy được tinh thần tích cực của toàn thể”, do Chính ủy Ðại đoàn pháo binh 351 Phạm Ngọc Mậu ký ngày 11/2/1954 - 11 ngày sau khi dũng sĩ cứu pháo Nguyễn Thế Vinh (chồng bà) lập công. Tô Vĩnh Diện và Nguyễn Quang Thuận là 2 dũng sĩ cứu pháo đã đi vào sử sách và được nhiều người biết tới, nhưng ít ai biết rằng chiến sĩ Nguyễn Thế Vinh là dũng sĩ cứu pháo đầu tiên trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Tôi từng có duyên 2 lần gặp vợ chồng dũng sĩ cứu pháo và dân công hỏa tuyến của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ Nguyễn Thế Vinh - Cao Thị Ngọc Diệp. Lần đầu của 5 năm về trước (2014), khi ông bà cùng đồng đội lên thăm lại chiến trường xưa. Lần này, khi cả nước đang hướng về Ðiện Biên Phủ với dấu mốc 65 năm giải phóng, tôi biết trong lòng cả ông và bà cũng đang rung lên những xúc cảm của những ngày tháng 5 lịch sử. Chỉ tiếc rằng, ông không thể trò chuyện vì sức khỏe đã yếu đi nhiều. “Mấy tháng nay, ông ấy liên tục ra - vào viện. Thời điểm này cũng thường trú tại viện luôn rồi” - bà Cao Thị Ngọc Diệp cho biết. /uploads/news/2019_05/15.jpg Ông Nguyễn Thế Vinh (thứ 2 từ phải sang), cùng vợ và đồng đội thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 trong một lần thăm lại chiến trường xưa. Những câu chuyện về dũng sĩ cứu pháo Nguyễn Thế Vinh, giờ đây chỉ có thể cóp nhặt qua những trang tư liệu ít ỏi và lời kể của bà Diệp. Bởi ngày ấy, bà cũng là dân công hỏa tuyến tại chiến trường Ðiện Biên Phủ nên hơn ai hết, những cảm xúc nơi chiến trường bà đều thấu hiểu và chia sẻ thay ông. Không cần nhiều thời gian để chắp nối các dấu mốc trong cuộc đời chồng mình, bà Diệp kể: “Năm 18 tuổi, ông ấy đã xung phong lên đường ra mặt trận, và được cấp trên cử đi học không quân (lúc đó là Ban Nghiên cứu không quân). Hơn một năm sau chuyển sang ngành Phòng không, học cao xạ pháo 37 ly, tham gia chiến đấu cùng Ðại đội 612, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu bảo vệ cầu Thủy Khẩu ở biên giới Cao Bằng. Tiếp đó, ông lại được cử đi huấn luyện về pháo cao xạ ở Trung Quốc. Cho đến năm 1953, hai tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn 367 là 383 và 394 được lệnh về nước tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Nguyễn Thế Vinh được bổ nhiệm làm khẩu đội trưởng, khẩu đội 2, đại đội 816, tiểu đoàn 383 khi vừa tròn 20 tuổi”. Lúc đó, Chiến dịch vào giai đoạn cuối nên địch co cụm lại ở phía Nam, còn đại đội 816 vẫn ở phía Bắc, cách xa đó hàng chục cây số. Ðêm 30/1/1954, nhận lệnh kéo pháo ra, ông Vinh chỉ huy khẩu đội 2 kéo pháo ngược đến lưng chừng dốc thì gặp sự cố tuột tời, cả pháo và đại đội đều trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong khi đó, những loạt pháo địch từ Mường Thanh vẫn không ngừng dội vào đại đội, khiến nhiều đồng chí hi sinh và bị thương. Trong thời khắc sinh tử, những tiếng hô “giữ lấy, ghìm lại, cứu lấy pháo” là động lực để Khẩu đội trưởng Nguyễn Thế Vinh lao theo pháo, xiết chặt tay ôm ghì càng, pháo trượt thêm khoảng 8m. Ông Vinh nhanh chóng mưu trí kẹp chân vào càng pháo tạo thế đứng vững chắc, rồi dùng toàn thân lái cần pháo ngoặt về bên sườn núi. Pháo được cứu thành công, còn Nguyễn Thế Vinh bị hất văng ra bất tỉnh. Sau sự kiện đêm hôm đó, kinh nghiệm cứu pháo của ông Vinh đã được phổ biến toàn đơn vị. Với kinh nghiệm xương máu này, đêm 1/2/1954, người đồng đội của ông là Nguyễn Quang Thuận đã xử lý rất tốt tình huống tương tự và cứu được pháo an toàn. Còn với Tô Vĩnh Diện (đại đội 827, tiểu đoàn 394), do phải cứu pháo trong tình thế dốc dựng đứng, nguy hiểm và khó khăn hơn rất nhiều, nên đã anh dũng hi sinh để bảo vệ pháo. Thế nhưng, nhắc đến Nguyễn Thế Vinh thì có lẽ hiếm người biết ông từng là một dũng sĩ cứu pháo, mà thường quen với hình ảnh một người nhạc sĩ tài ba. “Sau ngày giải phóng, rời chiếc áo lính, ông đã rèn luyện, phấn đấu rất nhiều để trở thành nhạc sĩ, Phó Giáo sư và Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Ði khắp dải đất hình chữ S, ông có rất nhiều thế hệ học trò đã và đang làm giám đốc, phó giám đốc sở văn hóa - thể thao và du lịch, trung tâm văn hóa... của các tỉnh, thành. Ông ấy cũng có cho mình rất nhiều sáng tác mà nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Thế nhưng, đặc biệt nhất, và tôi nghĩ ông ấy tâm huyết nhất là tác phẩm “Siết chặt vòng vây”. Như để minh chứng những điều vừa nói, bà Diệp nhắm mắt say sưa cất lên những lời ca đầy hào hùng: “Siết chặt vòng vây quân ta chiếm bốn phía núi rừng/Siết chặt vòng vây quân ta tới sát những chiến hào/Anh em ơi/Anh em ơi/Lựu pháo hiên ngang dội nát những đồi cao... Hờn căm nung nấu, dù có hi sinh, vì đất nước quê hương sẵn sàng”. Bài hát được hoàn thành ngày 2/5/1954, đúng vào giai đoạn cao điểm nhất của cuộc chiến, và ngay lập tức trở thành nguồn động lực lớn, thúc giục ý chí và tinh thần chiến đấu, quyết giành thắng lợi của chiến sĩ, đồng đội. Cho tới tận bây giờ, mỗi dịp tháng 5 về, ông và bà vẫn nghe đâu đó trên đài, tivi những câu hát ấy được nhắc lại, mang theo những cảm xúc không thể quên về những năm tháng hào hùng tại Ðiện Biên Phủ. Và không chỉ là mồ hôi, nước mắt, máu và một phần thanh xuân gửi lại nơi chiến trường, mà còn không biết bao nhiêu tình cảm sâu nặng chẳng thể đong đếm, ông bà vẫn luôn dành cho Ðiện Biên. Ðó là lý do, năm nào ông bà cũng bố trí sắp xếp để ít nhất quay lại Ðiện Biên một lần. Vừa là tình cảm, song cũng để thắp cho anh em đồng đội nén nhang. Ðược biết, những ngày tháng 4 vừa qua, bà Diệp cùng Hội Cựu chiến binh quận Cầu Giấy, Hà Nội (nơi ông bà cư trú và sinh hoạt) cũng mới có chuyến thăm lại chiến trường và tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Rất tiếc, lần này bà không có ông đồng hành. “Tôi biết ông ấy nuối tiếc lắm. Trước khi tôi hành quân về Ðiện Biên, ông ấy chẳng nói được gì nhiều, chỉ dặn: Nhớ phải thắp cho Tô Vĩnh Diện nén nhang, nói tôi xin lỗi đồng chí!” - bà Diệp lặng đi trong dòng xúc cảm. Ðúng là tình cảm của những người lính, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nó vẫn vẹn nguyên như thế. Và tôi cũng hiểu tâm tư của bà Diệp lúc ấy. Thời gian vô tình không chờ đợi bất cứ ai. Những người lính của Ðiện Biên Phủ như ông Vinh, như bà Diệp nay đều đã bước qua tuổi 80, 90, rất nhiều trong số đó nay đã yên nghỉ. Rồi đây, họ cũng sẽ gửi thân mình về với đất mẹ. Thế nhưng, tôi vẫn luôn có một niềm tin như niềm tin tất thắng rằng, những câu chuyện về người chiến sĩ Ðiện Biên, về sự hi sinh, mất mát của những năm tháng lịch sử hào hùng sẽ còn sống mãi, trường tồn cùng với thời gian như một niềm tự hào của dân tộc và nhắc nhở đời đời thế hệ về sau còn tri ân mãi...
Tác giả: Bài, ảnh: Hà Linh