Vấn đề tuần này: Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới
Hà Anh
2013-12-22T22:33:53-05:00
2013-12-22T22:33:53-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Cai-cach-ha-nh-chi-nh/Van-de-tuan-nay-Hien-phap-doi-moi-cho-thoi-ky-moi-1757.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 29/11/2013 22:33
DIC - Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiến pháp sửa đổi. Với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối (99,59% đại biểu có mặt nhấn nút thông qua Hiến pháp) đã thể hiện sự nhất trí cao về những nội dung sửa đổi của bản Hiến pháp lần này. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì, bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện rõ được ý Đảng, lòng dân; đặc biệt “đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới của đất nước chúng ta”.
Thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân, trước khi bản Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thảo luận, bổ sung và thông qua tại kỳ họp lần này, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Kể từ ngày triển khai lấy ý kiến nhân dân (2/1/2013), sau gần 11 tháng, các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, hữu ích tham gia sửa đổi Hiến pháp. Đợt cao điểm góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trong 3 tháng đầu năm (từ 2/1 – 31/3) đã có 20 triệu lượt ý kiến nhân dân cả nước tham gia. Và, theo quyết định của Quốc hội là để “nghe cho hết ý dân”, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã tiếp tục kéo dài thời gian lấy ý kiến; thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Với nhiều hình thức tham gia góp ý, từ gửi văn bản trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức; thảo luận tại các hội nghị, tọa đàm; góp ý qua cổng thông tin điện tử cho tới tham gia ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác, các tầng lớp nhân dân đã thực sự thể hiện quyền dân chủ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp. Tại Điện Biên, qua 4 đợt triển khai lấy ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đã có 2.073.012 lượt ý kiến nhân dân tham gia, góp ý vào tất cả các chương, điều của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Từng tổ dân phố, từng khu dân cư đều đã triển khai nội dung sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến người dân, từ cán bộ hưu trí cho tới hội viên các tổ chức đoàn thể, nông dân, trí thức đã nghiêm túc nghiên cứu những nội dung sửa đổi để tham gia, góp ý cho phù hợp. Trên cơ sở những vấn đề mình quan tâm, hiểu biết và từ chính đời sống của bản thân, gia đình, thôn bản, người dân đã tham gia góp ý, sửa đổi Hiến pháp; thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua đợt lấy ý kiến và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này, người dân đã tham gia trực tiếp vào quá trình lập pháp; xây dựng cơ sở pháp lý để tham gia điều hành và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được hoàn thiện, tổng hợp trí tuệ, tâm huyết của toàn dân tộc và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối, không có phiếu chống (486/488 đại biểu có mặt tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết). Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Những nội dung sửa đổi của Hiến pháp không chỉ là cơ sở pháp lý quy định các hoạt động của đời sống xã hội, đất nước mà cũng chính là động lực để đưa đất nước phát triển. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặc biệt là quá trình đổi mới đất nước hiện nay, người dân đã ngày càng được tham gia trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bằng việc tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của toàn dân, bản Hiến pháp sửa đổi lần này là những quy định pháp lý quan trọng mà “dân biết, dân bàn” và là công cụ để “dân làm, dân kiểm tra”./.
Tác giả: Hà Anh
Nguồn tin: CDC Điện Biên