DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 03/12/2013 02:54
Đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi (Ảnh: Vnexpress)
Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri cả nước.
Với 97,59% số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi). Kết quả này nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri cả nước.
Cử tri Đỗ Quang Tuấn hiện đang sống tại Thái Bình bày tỏ vui mừng khi Quốc hội biểu quyết chính thức thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) có tỷ lệ cao. Theo ông Tuấn đây là kết quả của quá trình làm việc khách quan và khoa học trong thời gian dài vừa tiếp thu, chỉnh lý và lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Ông cho rằng Hiến pháp sửa đổi được thông qua với tinh thần dân chủ, khoa học, thể hiện được ý Đảng, lòng dân, làm rõ được các vấn đề căn bản như Bản chất nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.Cử tri Đỗ Quang Tuấn nói: “Với sự đồng thuận cao trong Quốc hội, đại diện cho cử tri toàn quốc với quyết tâm chính trị cao và thực hiện đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hy vọng rằng với bản Hiến pháp sửa đổi sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn hơn trong hiện tại và tương lai”. Vui mừng khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được thông qua, ông Tô Bá Trọng, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được thông qua lần này có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp cũng quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp và một lần nữa khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đi lên của đất nước. “Quốc hội mất bao nhiêu công sức để có được kết quả hôm nay. Đặc biệt việc tổ chức thực hiện nghị quyết T.Ư 4 của Đảng về việc chấn chỉnh Đảng trong tình hình mới, nhất là vấn đề chống tham nhũng ở nhiều cấp. Để làm sao Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là Đảng lãnh đạo, xứng đáng với niềm tin của hàng triệu đồng bào đã hy sinh, hàng chục triệu đồng bào đang ra sức xây dựng đất nước, trở thành lực lượng đại diện cho giai cấp công nhân, cho dân tộc Việt Nam”, ông Tô Bá Trọng cho biết. Cử tri Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội cho rằng, đây là một sự kiện đánh dấu thời kỳ mới trong đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển. Ông Dương Ngọc Sơn cho rằng điều quan trọng là cần có biện pháp thi hành và bảo vệ Hiến pháp cụ thể, nhất là việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên: “Hiến pháp phải làm sao bảo đảm hiệu lực. Trong nhiều bước thì có bước quan trọng là cần phổ biến tuyên truyền đến mọi cử tri để người dân nắm vững Hiến pháp. Thứ 2 làm sao phải có bộ máy trong đó Quốc hội là trung tâm, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh tất cả điều trong Hiến pháp quy định”. Cử tri Đặng Ngọc Tuân, Quận Hà Đông, Hà Nội nhận định với 97,59% số phiếu tán thành khi thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) là một thành công, thể hiện ý chí nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề quan trọng phù hợp với xu thế hiện nay. Đặc biệt, những nội dung sửa đổi lần này, nhân dân được tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, các nội dung của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được đa số các đại biểu Quốc hội thông qua là kết quả tất yếu của kỳ Quốc hội lần này./.