DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 10/08/2017 21:11
Sáng ngày 10/8/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí ở Trung ương và địa phương.
/uploads/news/2017_08/20170810-l1_1.jpg Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. Theo báo cáo tại Hội nghị, đến tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương: 86. địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); có 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình điện tử), 67 đài phát thanh truyền hình địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ; trên 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng (ước tăng 13,93% so với năm 2015); tổng nộp ngân sách Nhà nước lĩnh vực báo chí ước đạt 901 tỷ đồng. Trong thời gian qua, phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống thông tin, quan điểm sai trái, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và sự nghiệp đổi mới; là cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Thời gian qua, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của người dân. Đa số cơ quan chủ quản báo chí đã chỉ đạo cơ quan báo chí thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, đồng thời tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí đảm bảo các tiêu chuẩn về chính trị, nghiệp vụ, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. /uploads/news/2017_08/20170810-l2.jpg Toàn cảnh Hội nghị. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, các cơ quan báo chí vẫn còn nhiều khuyết điểm, bất cập, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Nhiều cơ quan báo chí chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về báo chí; một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị; một số cơ quan báo chí chậm đổi mới; tình trạng sai sót, thiếu chuẩn xác trong thông tin; khuynh hướng “thương mại hóa”; hệ thống báo chí thiếu quy hoạch… Gần đây, xuất hiện tình trạng có cơ quan báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng… thậm chí các văn bản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại báo chí ngày càng tăng. Có khi báo chí chỉ nghe một chiều rồi đăng tin, sau đó báo này làm xong bán hoặc đưa cho báo kia, dẫn đến tình trạng sai có hệ thống, sai hàng loạt. Bên cạnh đó, một khuyết điểm tương đối phổ biến thời gian qua là thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép. Đặc biệt là báo của một số hội nghề nghiệp, sinh ra tờ báo nhưng không phục vụ đúng đối tượng của mình. Tới đây, sau khi Thủ tướng ký ban hành Quy hoạch báo chí đến 2025, Bộ TT&TT sẽ rà soát lại và cấp lại giấy phép cho các cơ quan báo chí. Nếu không siết lại sẽ rơi vào tình trạng báo chí rất đông nhưng thông tin trùng lặp, không đáp ứng đa dạng đối tượng bạn đọc trong xã hội. Thứ trưởng dẫn chứng: Cùng một thông tin nhưng rất nhiều báo đưa dù chẳng liên quan đối tượng độc giả chính của mình, trong khi có những vấn đề rất thiết thực với đối tượng phục vụ chính của mình thì lại không đưa. Một khuyết điểm đáng chú ý khác là đưa thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí của nhiều cơ quan chủ quản thực hiện không chặt chẽ. Không ít cơ quan chủ quản đã bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, không đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định (không ít cơ quan chủ quản đề nghị bổ nhiệm mà thiếu từ 2 - 3 tiêu chuẩn theo quy định). Trên thực tế, có nhiều cơ quan chủ quản không quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là đối với các báo của hội. Thậm chí có người bị kỷ luật báo này lại nhận làm ở báo khác thông qua kênh này kênh kia vì được lãnh đạo hội (hầu hết là cán bộ về hưu tham gia, có quan hệ nhất định) đứng ra cam kết. Ngoài ra, một số cơ quan chủ quản đề nghị thành lập cơ quan báo chí khi chưa đủ các điều kiện về trụ sở, trang thiết bị, nguồn tài chính, tổ chức, bộ máy... Chủ yếu là báo của các hội, bản thân kinh phí của hội đã khó khăn, dẫn đến tình trạng xin ra tờ báo rồi khoán trắng cho cơ quan báo chí, rồi cơ quan báo chí lại bằng mọi cách để kiếm tiền, dẫn đến chuyện để phóng viên đi gây sức ép với các tổ chức, cá nhân. Do vậy, các cơ quan chủ quản cần quan tâm, đề nghị cơ quan báo chí rà lại xem có cần lập văn phòng đại diện và phóng viên thường trú không… Thứ trưởng nêu vấn đề. Để hoạt động báo chí phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng hoặc để sai phạm kéo dài. Đồng thời, các Bộ, ngành nên chủ động sắp xếp lại cơ quan báo chí cho phù hợp, không chờ quy hoạch, thì các bước đi sẽ đảm bảo hiệu quả hơn. Các cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí thuộc quyền, đặc biệt lưu ý hơn tới vấn đề phóng viên thường trú, văn phòng đại diện hiện đang có rất nhiều nhức nhối.../.