DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 15/10/2017 23:51
.
DIC - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Điện Biên – Một tỉnh nghèo nhất, nhì cả nước đã có những khó khăn nhất định. Song, gần hai năm (2016 và 2017) thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã có nhiều chuyển biến khả quan; nhất là việc triển khai Dự án thành phần 4 – Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin. Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Điện Biên đã giảm từ 48,14% năm 2015 xuống còn 44,82% năm 2016 (giảm 3,32%). Từ kết quả trên, những người làm công tác thông tin, truyền thông đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Điện Biên. Dưới đây là những nội dung trao đổi.
* Xin ông cho biết những thành tựu của tỉnh Điện Biên trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Phần giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án thành phần 4 do Bộ TT&TT chủ trì) thời gian vừa qua? Ông Nguyễn Hùng Cường (N.H.C): Nhận thấy truyền thông và giảm nghèo về thông tin sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của toàn xã hội và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân. Triển khai thực hiện Dự án 4 của Chương trình trên địa bàn, tỉnh Điện Biên, mà trực tiếp là Sở TT&TT Điện Biên đã dựa vào Thông tư 06/2017/TT-BTTTT ngày 02/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác để xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn 2016-2020,… Trong hai năm 2016 và 2017, Sở TT&TT Điện Biên đã sản xuất, biên tập được 06 chương trình phát thanh, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; Đài Truyền thanh các xã và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Đối với hệ thống đài truyền thanh, Sở đã chỉ đạo phát 03 buổi/ngày/tuần; in đĩa CD phát hành tới tận thôn, bản, tổ dân phố và các đồn, trạm Biên phòng để tuyên truyền. Xuất bản 05 tờ gấp bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông, phát hành rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đặc biệt chú trọng đến đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Trung ương đóng trên địa bàn và của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức để tuyên truyền sâu, rộng mục tiêu, đối tượng, phạm vi, thời gian và nội dung hỗ trợ các dự án thành phần để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 1722 ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. * Những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là gì thưa ông? Ông N.H.C: Là một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn; trên 90% nguồn kinh phí của tỉnh do Trung ương cấp. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng chung sống; giao thông đi lại rất khó khăn; nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ phổ thông còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận Dự án. Đặc biệt, kinh phí bố trí cho Dự án trong hai năm (2016 và 2017) rất hạn chế; và chỉ được cấp 256 triệu đồng từ nguồn của Trung ương; trong đó, năm 2016 được 120 triệu đồng và năm 2017 được 136 triệu đồng. Nguồn ngân sách địa phương chưa được cấp nên không có đủ nguồn lực để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Do đó, từ nguồn kinh phí đã được cấp năm 2016 và 2017, Sở TT&TT mới thực hiện được 1/8 nhiệm vụ của Dự án. Cụ thể là nhiệm vụ “Tăng cường nội dung thông tin”, còn 7 nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ TT&TT cơ sở; hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho các hộ nghèo; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại các huyện, xã; xây dựng các điểm tuyên truyền cổ động cố định; xây dựng nội dung tuyên truyền cổ động; thiết lập cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương; lưu trữ, quảng bá các sản phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm thông tin khác phục vụ mục tiêu giảm nghèo về thông tin chưa có nguồn vốn để thực hiện. Một khó khăn khác nữa là: Hiện tại hạ tầng thiết bị thông tin, nhất là hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở còn rất khó khăn. Toàn tỉnh mới có 46/130 xã có Đài Truyền thanh (cả đài có dây và không dây). Hầu hết các trang thiết bị đã lắp đặt và đưa vào sử dụng do các bộ, ngành Trung ương và địa phương đầu tư từ lâu, công nghệ đã lạc hậu và thường xuyên hỏng hóc nên đã phần nào hạn chế đến công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Hơn nữa, trình độ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là cán bộ cấp xã, cấp huyện trình độ chưa đồng đều và còn biến động. Đời sống nhân viên truyền thông ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án. Thứ nữa, một số nội dung triển khai từ các cơ quan Trung ương còn chậm, như: Giao kinh phí và việc hướng dẫn triển khai thực hiện chậm so với tiến độ đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình tại tỉnh. * Xin ông cho biết cụ thể về vai trò của báo chí, hệ thống Đài truyền thanh cơ sở trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với công tác giảm nghèo bền vững? Ông N.H.C: Để Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả, truyền thông phải đi trước một bước. Do vậy, việc tuyên truyền qua hệ thống thông tấn báo chí và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở (đài cấp huyện, cấp xã) có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác thông tin và hướng dẫn người dân. Trong gần hai năm, qua các cuộc giao ban Báo chí hằng tháng, Sở TT&TT Điện Biên đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên định hướng, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân tại địa phương nhận thức rõ về Chương trình giảm nghèo bền vững, nhằm huy động mọi người cùng tham gia và bản thân các hộ nghèo tự vươn lên để thoát nghèo. Mặc dù các Đài Trung ương và Đài PT-TH tỉnh đã phát sóng lên vệ tinh, song hầu hết đồng bào các dân tộc thuộc diện hộ nghèo, chưa có thiết bị thu, xem tương thích với công nghệ truyền thông mới nên khó tiếp cận được những thông tin mới, nóng của đất nước và thế giới. Do đó, hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở (cấp huyện, xã) đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin trực tiếp tới người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, tiếp phát sóng hằng ngày. Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các mục đích, yêu cầu và nội dung thực hiện về giảm nghèo bền vững, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương đã đăng tải và phát sóng trên sóng phát thanh, báo điện tử và các trang thông tin điện tử tổng hợp hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự (cả phát thanh và truyền hình) về Chương trình giảm nghèo bền vững. Báo chí cũng luôn theo sát thực tế, phản ánh công tác triển khai, thực hiện tại cơ sở; phát hiện biểu dương những tấm gương, mô hình điển hình thoát nghèo bền vững. Đồng thời, cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập để các đơn vị quản lý nắm, cùng nghiên cứu và có các biện pháp tháo gỡ. Cùng với việc tiếp phát sóng các chương trình của Đài Trung ương, Đài tỉnh, phát sóng các chương trình tuyên truyền đã được cấp phát, hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã cũng đã xây dựng các bản tin truyền thanh tuyên truyền mạnh về Chương trình giảm nghèo bền vững; trong đó chủ yếu là phổ biến các chính sách, kế hoạch sẽ được triển khai tại địa phương. Đồng thời, vận động nhân dân các dân tộc cùng chung sức, chung lòng ủng hộ, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, để tự vươn lên thoát nghèo... * Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh Điện Biên ban hành các chủ trương, chính sách, định hướng công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Sở TT&TT đã có những giải pháp gì nhằm thúc đẩy việc tuyên truyền trên địa bàn tỉnh? Ông N.H.C: Qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên, gần hai năm qua đã bước đầu mang lại kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng đời sống cả về tinh thần và vật chất cho đồng bào nghèo các dân tộc tỉnh Điện Biên; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 48,14% năm 2015 xuống còn 44,82% năm 2016. Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn rất cao so với cả nước. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình đã đề ra, Sở TT&TT tỉnh Điện Biên có một số giải pháp như sau: - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân; hướng dẫn người dân tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, vay vốn ưu đãi, tín dụng của ngân hàng, chính sách xã hội, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động; nhất là lực lượng lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới;… - Tuyên truyền sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tiếp tục phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo” trên địa bàn toàn tỉnh; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. - Thực hiện lồng ghép việc tuyên tuyền chương trình giảm nghèo bền vững với các chương trình MTQG, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo khác. - Đối với giải pháp về huy động nguồn vốn: Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền Chương trình; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng; tham gia đóng góp của người dân và đối tượng thụ hưởng. * Xin cảm ơn ông! /uploads/news/2017_10/2.jpg Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Mường Thín (huyện Tuần Giáo - Điện Biên) thực hiện Chương trình tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã. Ảnh: Cao Thương. /uploads/news/2017_10/1.jpg Trung tâm CNTT & TT thuộc Sở TT&TT Điện Biên phát hành các ấn phẩm tuyên truyền Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Ảnh: Trọng Nghĩa.