DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 19/06/2015 10:11
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Trang thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài tham luận tại Hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm" của TS. Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với nhan đề “Phát huy truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
/uploads/news/2015_06/20150618-lbtr.jpg Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tham luận tại Hội thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về báo chí vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ Chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Theo Người, báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: "chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội" . Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, và có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng được. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng, "đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng". Trong suốt tiến trình Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng của mình, là công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của dân tộc, nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Giai đoạn kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, báo chí đã phát huy vai trò là vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù dân tộc, đồng thời nêu cao ý chí chiến đấu và động viên tinh thần trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng kháng chiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, báo chí đã tích cực cổ vũ, biểu dương những cái mới, những điển hình tiên tiến trong học tập, lao động và chiến đấu, đồng thời đấu tranh với cái cũ, lạc hậu, cổ hủ, trì trệ, những tàn dư còn sót lại từ thời thực dân, phong kiến. Báo chí luôn rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, biểu dương cái tốt, cái tiến bộ, đồng thời, luôn thể hiện quan điểm rõ ràng, kiên quyết trong đấu tranh, phê bình trước những cái xấu, cái lạc hậu, tàn dư của chế độ cũ. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước gặp biết bao khó khăn, thử thách. Báo chí nước ta tiếp tục thực hiện tốt các chức năng tuyên truyền, cổ động và tổ chức, là vũ khí tư tưởng mạnh mẽ nhất của Đảng. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục chính trị - tư tưởng cho quần chúng, là người tuyên truyền tất cả những cái mới, tiên tiến nảy sinh từ sự sáng tạo của quần chúng. Trong tiến trình gần 30 năm đổi mới của đất nước, báo chí nước ta có sự phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, 01 hãng thông tấn quốc gia. Nguồn nhân lực báo chí có mức tăng trung bình hàng năm khoảng 6,5%. Nếu như năm 2009 chỉ có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 35.000 người, trong đó có gần 18.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề. Về trình độ chuyên môn, phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; số người làm báo có trình độ dưới đại học đã giảm trung bình khoảng 1%/ năm. Năm 2009, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 85% và trên đại học là 4%. Đến năm 2014, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 91% và trên đại học là 4,9%. Với sự phát triển lớn mạnh ấy, báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong thành quả chung của công cuộc đổi mới: tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; tích cực tuyên truyền có hiệu quả về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, có thể tự hào khẳng định rằng, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là chủ đạo. Song, bên cạnh đó trong hoạt động của báo chí vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, một bộ phận những người làm báo còn non kém về nhận thức chính trị đã bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong số đó đã có một số người vi phạm pháp luật, bị kỷ luật và thu hồi thẻ nhà báo. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã có lúc, có nơi buông lỏng quản lý nội dung thông tin và đội ngũ phóng viên, biên tập viên dưới quyền, coi trọng yếu tố lợi nhuận, xem nhẹ các chức năng của báo chí, khai thác nhiều đề tài về mặt trái của xã hội, với mức độ thông tin có thời điểm dày đặc. Không ít cơ quan báo chí chưa coi trọng biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực trong học tập, lao động và chiến đấu. Một số ấn phẩm phụ thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, làm cho nội dung báo chí xa rời chức năng định hướng, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, thiếu tính chuyên nghiệp, tác động tiêu cực trong một bộ phận công chúng. Cùng với những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của tổ chức. Những hạn chế trên còn có nguyên nhân là do cơ quan hành chính nhà nước chưa làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí (Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, được ban hành trong Quyết định 25/QĐ-TTg, ngày 04/5/2013). Một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, có trường hợp tìm cách né tránh việc thực hiện các quy định. Không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, buông lỏng việc quản lý, nể nang, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền. Những hạn chế, khuyết điểm của báo chí như nêu ở trên là một trong những nguyên nhân làm giảm đi tính định hướng, tính văn hóa, tính giáo dục của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo hơn ai hết, phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Trước tình hình mới, báo chí cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ công tác tư tưởng của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, luôn hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Từ thực tiễn hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí qua gần 30 năm đổi mới, chúng ta cần phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, quản lý báo chí: Thứ nhất là, đường lối đổi mới đúng đắn là nhân tố đầu tiên tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh và hoạt động đúng hướng. Công cuộc đổi mới ở nước ta có bước đi thích hợp, xem ổn định chính trị là mục tiêu số một của đổi mới. Trong lĩnh vực báo chí, Đảng ta khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức, đoàn thể; không có báo chí tư nhân. Thứ hai là, giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yếu tố quyết định đảm bảo báo chí phát triển lành mạnh. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Đường lối đúng là yếu tố có tính quyết định đảm bảo cho sự phát triển đúng hướng của báo chí. Thứ ba là, làm tốt công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý để báo chí hoạt động. Phương thức lãnh đạo báo chí có hình thức và bước đi thích hợp trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường. Thứ tư là, làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, chú trọng công tác cung cấp thông tin cho báo chí; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi công tác lãnh đạo, quản lý báo chí phải có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Trên bình diện quốc tế, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức truyền tải và tiếp nhận thông tin trên toàn cầu, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để các cơ quan báo chí chủ đạo giữ vai trò chủ đạo trong việc chi phối, định hướng dư luận xã hội; là việc gia tăng cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, đồng thời, có cơ chế mở rộng tiếp cận thông tin và phát huy dân chủ trong thông tin. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, vấn đề kinh tế báo chí vừa là vấn đề thực tiễn nhưng lại mang tính lý luận. Một mặt, báo chí phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, mặt khác, phải cạnh tranh thông tin, lo tăng tin ra để phát triển, duy trì sự ổn định của cơ quan báo chí. Trong thực hiện nghĩa vụ kinh tế của với báo chí, đã xuất hiện khuynh hướng thương mại hóa báo chí. Đây là hệ quả phát sinh từ tác động của mặt trái cơ chế thị trường đối với báo chí. Thực tiễn cho thấy, hoạt động báo chí là một loại hình hoạt động vừa chịu sự tác động của hệ thống các quy luật phát triển văn hóa - tư tưởng, vừa chịu tác động của hệ thống các quy luật kinh tế. Do vậy, trong công tác quản lý nhà nước về báo chí cần chú trọng hoàn thiện hệ thống luật pháp về báo chí để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời ngăn ngừa khả năng tác hại từ mặt trái của kinh tế thị trường, làm ảnh hưởng đến định hướng tư tưởng - văn hoá trong đời sống báo chí. Nếu chỉ chú trọng tới lợi ích kinh tế sẽ dẫn tới thương mại hóa hoạt động báo chí, gây hậu quả đối với xã hội. Ngược lại, nếu chỉ đề cao vai trò báo chí ở phương diện tư tưởng - văn hóa, là công cụ công tác tư tưởng thì sẽ dẫn đến khả năng không phát huy hết những giá trị đích thực của báo chí. Để phát huy sức mạnh của báo chí trong định hướng dư luận xã hội, tập hợp, đoàn kết, cổ vũ các giai tầng trong xã hội tích cực tiến hành thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng giáo dục, hướng báo chí vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới. Để giữ vững truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm chính trị - xã hội của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới hiện nay, các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây: Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về báo chí, đảm bảo nguyên tắc báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và có ý kiến kịp thời về các nội dung thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về báo chí trong các văn bản pháp luật của Nhà nước; đồng thời tăng cường đôn đốc để công tác thể chế hóa này đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng. Thứ hai, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn phát triển của báo chí trong xu thế truyền thông đa phương tiện; xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí thuộc quyền; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống báo chí theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí, tạo cơ chế và nguồn lực để báo chí phát triển. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đặt hàng, hỗ trợ tài chính đối với báo chí làm nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu; có cơ chế, chính sách phù hợp đối với báo chí có tính chất giải trí thuần túy. Thứ ba, cùng với sự phát triển của báo chí và đội ngũ những người làm báo, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về báo chí, đảm bảo các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tri thức về khoa học công nghệ thông tin, kiến thức và tri thức pháp luật, trình độ chính trị vững vàng. Cần quy định hệ thống tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác chuyên môn của từng bộ phận công việc. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý báo chí để theo kịp tốc độ phát triển chung của xã hội. Các cơ quan chủ quản báo chí cần bố trí cán bộ đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật về báo chí để quản lý tốt báo chí thuộc ngành mình. Xây dựng chương trình đào tạo cán bộ giảng dạy về quản lý nhà nước về báo chí; tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan báo chí. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; hoàn chỉnh chương trình, giáo trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo về phẩm chất chính trị, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Thứ tư, tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành báo chí, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý chuyên ngành báo chí ở trung ương và địa phương, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và điều kiện làm việc bảo đảm thực thi công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả; rà soát, xem xét rút giấy phép đối với cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động, thường xuyên vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về báo chí, đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn mới. Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận nhanh với những thay đổi của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, đồng thời, học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển báo chí trong xu thế truyền thông đa phương tiện; thực hiện tin học hóa công tác quản lý, xây dựng các chương trình quản lý dữ liệu, xử lý thông tin điều hành, quản lý, thủ tục hành chính. Báo chí Cách mạng nước nhà luôn khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay - đó là một trong những điểm nổi bật trong lịch sử, truyền thống của nền Báo chí Cách mạng nước nhà luôn được các thế hệ nhà báo của cả nước vun đắp, phát huy trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành. Hội thảo của chúng ta hôm nay, diễn ra vào đúng thời điểm đáng ghi nhớ của lịch sử Báo chí Cách mạng, chỉ còn mấy ngày nữa là đến 21/6/2015, là dịp cả nước ta nói chung và báo giới nói riêng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống vẻ vang của nền Báo chí Cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin kính gửi tới các nhà báo Lão thành cùng toàn thể đội ngũ những người làm báo cả nước, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khoẻ, đặc biệt là khoẻ về tinh thần, về bản lĩnh và trí tuệ để tiếp tục có những đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự phát triển của Báo chí Cách mạng nước nhà nói riêng và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Tác giả: TS. Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông