DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 21/07/2019 20:45
DIC - Sáng nay, ngày 19/7/2019 Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn trực tuyến về công tác thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông quý III/2019. Tham gia Hội nghị gồm Điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham gia tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Nguyễn Hùng Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và công chức, viên chức thuộc Thanh tra Sở, Phòng Báo chí Xuất bản.
/uploads/news/2019_07/1111.jpg Điểm cầu tập huấn tại Sở TT&TT Điện Biên. Hội nghị đã triển khai 2 nội dung chính về: Thực trạng công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí và giải pháp khắc phục và công tác xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng. Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu lên thực trạng, những khó khăn, bất cập trong quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương như: Một số cơ quan báo chí chưa đủ điều kiện quy định nhưng vẫn hoạt động văn phòng đại diện; Đăng ký văn phòng đại diện nhưng không có trụ sở; Dừng hoạt động văn phòng đại diện nhưng không làm thủ tục thông báo; Cử phóng viên thường trú tại địa phương không đủ điều kiện; Việc cấp giấy giới thiệu lỏng lẻo, tùy tiện, không chấp hành đúng chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; Một số văn phòng đại diện chưa thực hiện đúng quy định về tôn chỉ, mục đích khi khai thác thông tin; Đặc biệt tình trạng một số phóng viên thường trú có biểu hiện sách nhiễu, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của người làm báo chân chính, một số phóng viên vi phạm pháp luật đã bị khởi tố. Thanh tra Bộ cũng nhận định các vi phạm liên quan đến văn phòng đại diện chưa được xử lý đúng mức, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý do một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định pháp luật chưa chặt chẽ, đồng bộ; Một số địa phương do chưa làm tốt vai trò giúp UBND cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 7 và Điều 22 Luật Báo chí 2016; Sự phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Công an tỉnh, thành phố còn chưa chặt chẽ, do vậy những hành vi tiêu cực của phóng viên được đề cập trong thời gian dài nhưng không xử lý được do không có cơ sở, chứng cứ cụ thể. Đối với công tác xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng của Bộ đã đưa ra những nhận định về thông tin xấu độc và các nguyên nhân chủ yếu, cũng như những hành vi vi phạm gần đây, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm giúp các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện công tác quản lý. Hội nghị cũng đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến công tác quản lý thực tế tại các địa phương và nghe các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông giải đáp một số những vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý tại địa phương. Qua đó đề ra các giải pháp để tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương cũng như công tác quản lý, xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng trong thời gian tới./.