DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 09/07/2020 23:06
Trong thời gian qua, báo chí đã phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin, sự đồng thuận, khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Cơ bản các cơ quan báo chí bám sát thực hiện quy định pháp luật về báo chí. Khi được cơ quan quản lý nhà nước định hướng, nhắc nhở, chấn chỉnh liên quan nội dung thông tin, cơ quan báo chí có sự điều chỉnh kịp thời. Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm trong báo cáo chuyên đề tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 6/7/2020.
Báo chí phản ánh dòng chảy chính của xã hội Trong đại dịch COVID-19, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách, nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nêu bật những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến vượt khó vươn lên. Đồng thời, báo chí tập trung tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp; Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Báo chí cũng khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng dân tộc, xây dựng đất nước; không làm xói mòn niềm tin mà lan toả năng lượng tích cực, kết nối mọi người dân để thúc đẩy Việt Nam bứt phá vươn lên, phát triển hùng cường, thịnh vượng. https://mic.gov.vn/Upload_Moi/2020_vn/20200706-l1.jpg 20200706-l1.jpg Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020. Đại dịch Covid-19 vừa qua, niềm tin của xã hội và người dân vào báo chí tăng lên rất nhiều. Mỗi ngày có 700 - 1.000 tin trên báo chí. Báo chí được người đọc quan tâm hơn. Mỗi ngày có 20 - 30 triệu lượt đọc. Các giá trị của báo chí được thể hiện rất rõ nét: Thông tin được chứng thực và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để Chính phủ nhìn thấy vai trò của báo chí. Mặt khác, báo chí là nguồn tin đưa vào mạng xã hội sau đó được mổ xẻ, lan đi từ các mạng xã hội. Số người đọc mạng xã hội vẫn nhiều hơn nhưng báo chí góp phần điều tiết mạng xã hội. Báo chí không chỉ truyền thông mà còn đóng vai trò điều tiết mạng xã hội. Sắp tới báo chí sẽ đưa tin nhiều hơn nữa về cách phòng chống dịch cho người dân, động viên người dân tin vào cách chỉ đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch. Từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19. Hệ thống loa truyền thanh thông tin cơ sở tại xã phường đã hồi sinh, phát huy tối đa tác dụng vốn có của mình trong đại dịch. Cũng trong đại dịch, báo chí, truyền thông cũng thay đổi cách làm việc và nhìn nhận nhiều mặt của đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh làm việc trực tuyến, sử dụng băng thông cho công việc nhiều hơn, giải trí tại nhà, xem tin tức nhiều hơn;… Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ một số “nghịch lý” của Báo chí như: Doanh thu báo chí trong đại dịch giảm mạnh (trung bình 70%), trong khi tỷ lệ người xem, nghe, đọc tăng kỷ lục; câu chuyện làm báo “tử tế” liệu có sống được không?... Nhức nhối nạn “đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng” Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước - truyền thông đã có bước chuyển giữa “Cũ và Mới”. Theo cách làm cũ là tập trung chủ yếu vào quản lý nội dung thông tin; Ít chú ý tới Kinh tế báo chí, nhiệm vụ chính trị nặng nề, nhưng nguồn lực thì hạn chế; Hiểu chưa đúng về khái niệm “Tự chủ” tài chính trong báo chí; Chưa nhìn nhận Báo chí truyền thống trong mối quan hệ tổng quan với Hệ sinh thái truyền thông xã hội; Nặng về “định tính” hơn “định lượng”; Không có số liệu đo đạc; Nặng về mục tiêu “Quản lý”, nhẹ về định hướng phát triển... Bên cạnh đó, tình trạng “đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự” trong làng báo, với nạn nhân là cá nhân (thường là lãnh đạo), doanh nghiệp, địa phương, Bộ ngành. Nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong làng báo; nạn “làm báo” qua trang tin điện tử, mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới; nạn “Báo hoá” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích; nạn “câu view, khoán view” trên báo điện tử đã làm suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông. Nguy hại hơn, nạn “câu view” đang “đồng hóa” báo chí điện tử. Không ít cơ quan báo, tạp chí điện tử khi xảy ra sự kiện (thường xuất phát từ mạng xã hội, báo nước ngoài) thì cứ sao chép cho đăng đã, lấy view rồi đặt câu hỏi cuối bài dạng nghi vấn. Sau đó gọi điện đến cơ quan chức năng địa phương, căng hơn thì hỏi luật sư, cơ quan Chính phủ, đại biểu Quốc hội theo kiểu “nhét chữ vào mồm” người trả lời, rồi mới đến hiện trường chụp ảnh, gặp gỡ nhân vật hoặc hàng xóm, nếu xa xôi quá thì lấy ảnh của nhau, bí quá thì dùng ảnh minh họa. Khi các báo nhìn nhau, tổng biên tập sốt ruột sao mình không có tin đấy các báo bạn lên hết cả rồi, vậy là hò nhau làm tiếp, làm mạnh. Những tin tức giật gân được share mạnh bởi bộ phận SEO, Team Social (báo nào cũng có), rồi đầu tư thêm về media, làm infographic...là thành trendy Về kinh tế báo chí, hiện đang là vấn đề rất hệ trọng đối với các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình. Không ít cơ quan báo chí nói chung giao phóng viên buộc phải “làm kinh tế” khi làm báo; khoán view để chấm nhuận bút, khoán bài PR, khoán “hợp đồng truyền thông”. Nguy hại hơn là việc có một số cơ quan báo, tạp chí điện tử lấy “doanh thu” đến từ “đăng và gỡ” bài. Việc giành giật miếng bánh “quảng cáo chất lượng thấp”, “quảng cáo vi phạm pháp luật qua các Ad Network xuyên biên giới (Google Adsense, Mgid....). Vấn đề đặt hàng báo chí gặp khó khăn trong việc xây dựng áp dụng đơn giá; bị giới hạn ở các chương trình “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền thiết yếu”; không đặt hàng với các chương trình giải trí; cơ chế coi báo chí như “đơn vị sự nghiệp có thu” bộc lộ nhiều bất cập… Đối với lĩnh vực phát thanh - truyền hình đang đứng trước thách thức chưa từng có, nhiều kênh truyền hình liên kết đang “ngắc ngoải”, miếng bánh quảng cáo chuyển mạnh sang các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook… Những kênh liên kết còn tồn tại xung đột lợi ích trực tiếp với các kênh chính của Đài (bản quyền, quảng cáo); lượng người xem, số giờ xem chuyển mạnh từ truyền hình sang mạng xã hội nước ngoài. Nhiều công ty truyền thông hiện đã phát hành thẳng lên mạng xã hội. Trên thực tế, nghệ sĩ biểu diễn “online” ngày càng nhiều. Nhiều báo điện tử mở chuyên trang “truyền hình” nhằm thu hút nguồn quảng cáo (ví dụ, Đài VTV năm 2019 hụt thu 400 tỷ so với kế hoạch; năm nay dự báo là một năm “ác mộng” với các Đài truyền hình về doanh thu quảng cáo). Câu chuyện đặt hàng báo chí của Nhà nước chưa thực sự có bước đột phá để truyền hình có thể trụ được trước cơn bão này… Đối với lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu cách làm mới “Muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được, đặt báo chí ở vị trí trung tâm trong một tổng thể các phương thức truyền thông phong phú của ngành TT&TT - Không dám thay đổi đó chính là khước từ đi cơ hội của chính mình”. Với báo chí, Thông tin Cơ sở (loa đài phường xã), mạng xã hội trong nước, tin nhắn ngắn, thông tin cảnh báo qua nhạc chuông nhạc chờ; kinh tế báo chí - yếu tố quyết định thành công của quy hoạch báo chí và Nhà nước phải là “Khách hàng lớn” của Báo chí - Nhà nước đặt hàng báo chí để tăng khả năng tự chủ của cơ quan báo chí đó là những cách làm mới của ngành TT&TT trong thời gian tới. Thực hiện nghiêm quy hoạch và tăng quyền lực quản lý Nhà nước về báo chí cho các địa phương Trong thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đúng lộ trình của Chính phủ đề ra. Đồng thời, rà soát cấp lại giấy phép các tạp chí theo văn bản 520 của Bộ TT&TT (Đến nay, Cục Báo chí đã nhận được 128 văn bản, hồ sơ của các cơ quan chủ quản về việc rà soát, cấp lại giấy phép tạp chí, gồm: 24 hồ sơ của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 12 hồ sơ của các trường Đại học; 18 hồ sơ của các Viện nghiên cứu; 02 hồ sơ của các Tập đoàn; 72 hồ sơ của các Hội). Bộ sẽ rà soát, phân loại để xem xét cấp lại giấy phép, nhất là các Hội có tạp chí điện tử sẽ làm trước. Đối với báo chí địa phương, Cục Báo chí sẽ rà soát cấp lại giấy phép các tạp chí theo văn bản 520 của Bộ TT&TT, hiện còn 24/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phải sắp xếp quy hoạch (trước thời điểm 30/6, có nhiều cơ quan chủ quản báo chí tại địa phương đã chủ động có hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc và chuyển đổi báo thành tạp chí - một số báo văn nghệ thành tạp chí văn nghệ). Theo dự kiến, sẽ sắp xếp xong các cơ quan báo chí địa phương trước 30/9. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple phải thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này. Tiếp tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xử lý thông tin vi phạm, thanh toán và đóng thuế tại Việt Nam; thực hiện, rà soát các trò chơi điện tử có dấu hiệu đánh bạc, phát hành game vi phạm pháp luật Việt Nam; ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới... Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, công tác quản lý báo chí trong thời gian tới sẽ tăng quyền lực quản lý Nhà nước về báo chí cho các địa phương. Theo đó, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo sửa Nghị định 159 về xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí Trung ương cho các địa phương. Đáng chú ý, sắp tới, sẽ xử phạt vi phạm tôn chỉ mục đích với các hành vi ký giấy giới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề không nằm trong tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Mặt khác, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các bộ, ngành địa phương bằng công văn khuyến cáo cân nhắc việc cung cấp/không cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích (có thể tra cứu tôn chỉ mục đích của tất cả các cơ quan báo chí trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TT&TT). Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ lập đoàn kiểm tra đột xuất một số tạp chí có dấu hiệu “báo hóa”, hoạt động sai tôn chỉ mục đích, có biểu hiện nhũng nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ mới có Nghị quyết số 84 về tiếp tục tháo gỡ khó khăn về kinh tế xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, trong đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn cấp bách cho báo chí thông qua đặt hàng báo chí một số nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng nguồn ngân sách Trung ương. Dự kiến Bộ TT&TT sẽ trình một gói đặt hàng báo chí Trung ương khoảng 120 tỷ đồng (90 tỷ cho báo, tạp chí in và điện tử - 30 tỷ cho phát thanh-truyền hình). Bộ TT&TT đã có công văn gửi các tỉnh thành về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (quan tâm đặt hàng, giao nhiệm vụ từ ngân sách địa phương cho hệ thống báo đài tỉnh, cơ sở truyền thanh truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã). Bộ chuẩn bị ban hành Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật cho báo in, báo điện tử, làm cơ sở để các địa phương ban hành đơn giá đặt hàng báo chí với thể loại này. Bộ sắp trình Chính phủ Đề án về tăng cường hiệu quả thông tin tuyên truyền thiết yếu thông qua việc tăng cường Đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản, làm cơ sở cho nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài đối với Kinh tế báo chí, khẳng định vai trò và vị thế của Nhà nước với tư cách là “Khách hàng lớn của Báo chí”.