DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 27/04/2016 20:29
Sáng 26/4, dưới sự điều hành của đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ tháng 4 của UBND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai với nội dung lấy ý kiến hoàn thành dự thảo Quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, bản tin, thông tin điện tử đối với cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh.
Quy định này nhằm thay thế những quy định theo Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND, ngày 12/6/2012 của UBND tỉnh về lĩnh vực này không còn đảm bảo căn cứ pháp lý (là Nghị định 61/2002/NĐ-CP, ngày 11/6/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút). Căn cứ pháp lý mới là Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế các chương II, V, VI (quy định nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức xuất bản phẩm; nhuận bút cho báo in, báo điện tử; nhuận bút cho tác phẩm phát thanh, truyền hình) của Nghị định 61. /uploads/news/2016_04/img_97201.jpg Ông Nguyễn Ngọc Kỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày dự thảo quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo quy định mới, nhuận bút các tác phẩm báo chí có sự điều chỉnh như: tin, ảnh, tranh... được đề nghị áp dụng hệ số 5 so với hệ số 1-5 theo Quyết định 13/2012 của UBND tỉnh; chính luận, phóng sự, ký, phỏng vấn đề nghị áp dụng hệ số 15 so với quy định cũ là 10-15... Ý kiến đại biểu nhất trí việc ban hành quy định chế độ nhuận bút là cần thiết, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước đối với đội ngũ làm việc trong lĩnh vực báo chí, xuất bản phẩm; một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh xem xét, sớm ban hành bởi đến thời điểm này cũng là muộn (Nghị định 18/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hệ số nhuận bút tối đa trong dự thảo chỉ nên áp dụng đối với các cơ quan báo, đài phát thanh – truyền hình còn các bản tin, cổng thông tin điện tử thì thủ trưởng cơ quan có ấn phẩm điều chỉnh cho phù hợp trong khung hệ số. Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp các cơ quan báo chí, cơ quan có bản tin, trang tin điện tử và các cơ quan chức năng liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 269/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa 13, Quy định chế độ nhuận bút đối với tác phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sau đó tiếp tục bổ sung dự thảo quy định, xác định rõ đối tượng, phạm vi áp dụng để báo cáo tại kỳ họp UBND tỉnh tiếp theo. Phiên họp cũng xem xét, cho ý kiến đối với Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công viên nghĩa trang Điện Biên. Công viên nghĩa trang Điện Biên được nghiên cứu, lập quy hoạch trên địa bàn xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, trên cơ sở mở rộng nghĩa trang nhân dân C1 hiện hữu. Diện tích quy hoạch khoảng trên 53ha; bao gồm nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang xã hội hóa, khu tâm linh, hệ thống dịch vụ, cây xanh công viên... Tham gia ý kiến, các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế phải làm rõ hơn khả năng dung nạp của nghĩa trang, thời gian sử dụng bao lâu? Xem xét lại thiết kế đường vào nghĩa trang, trục tâm linh, hồ cảnh quan... cho phù hợp, tránh hoành tráng nhưng gây lãng phí; có phương án giải quyết tái định cư cho những hộ dân phải giải tỏa. Vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là cần phải làm rõ phương án xử lý nước thải và vệ sinh môi trường. Đây là khu vực nhiều ao hồ, ruộng nước, có suối chảy ra sông Nậm Rốm, nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả, triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế. Quan điểm là phải đảm bảo nhu cầu sử dụng gắn với tiết kiệm đất, đảm bảo môi trường, thuận lợi cho hoạt động an táng, tâm linh. Đồng thời nghiên cứu thêm các hướng, tuyến giao thông đi vào công viên nghĩa trang để giảm tải cho đường chính.