Về cực Tây ăn Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì

Thứ hai - 09/12/2024 05:00
Khụ Sự Chà là Tết cổ truyền mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Về cực Tây ăn Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì
Tết cổ truyền Khụ Sự Chà mang nhiều nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc. Ảnh: Văn Thành Chương

Trong cộng đồng 19 dân tộc tại Điện Biên, dân tộc Hà Nhì có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú và còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, ít bị pha tạp hoặc giao thoa với các nền văn hóa khác. Người Hà Nhì có sự tinh tế từ trang phục của người phụ nữ đến tập quán sinh hoạt, văn hóa ẩm thực hay văn hóa tâm linh...

Đặc biệt, những bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì được thể hiện rõ nét nhất vào các dịp lễ, tết như: Lễ tết tháng 2 (Gạ ma thú); lễ cầu mưa; lễ cúng rừng và đặc biệt là tết Khụ Sự Chà - Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì.

Nặn bánh trôi - công việc đầu tiên phải làm trong ngày Tết của dân tộc Hà Nhì.
Nặn bánh trôi - công việc đầu tiên phải làm trong ngày Tết của dân tộc Hà Nhì.

Khụ Sự Chà thường được tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm, bắt đầu vào một ngày Thìn đẹp nhất trong tháng và kéo dài trong 3 ngày. Đây là thời điểm người dân đã thu hoạch mùa màng, gặt hái những thành quả sau một năm lao động sản xuất và chuẩn bị đón một năm mới.

Trong ngày tết cổ truyền, người Hà Nhì bắt buộc phải làm bánh trôi nước, giã bánh dầy và mổ lợn cúng tổ tiên, thần linh... Trong mỗi công việc ấy lại kèm theo những nghi thức khá đặc biệt, mang bản sắc riêng của người Hà Nhì.

Gạo, nước, muối và rượu dùng để “làm lý” khi mổ lợn với ý nghĩa cầu mong sang năm mới gia chủ sẽ nuôi được những con lợn to hơn năm cũ.
Gạo, nước, muối và rượu dùng để “làm lý” khi mổ lợn với ý nghĩa cầu mong sang năm mới gia chủ sẽ nuôi được những con lợn to hơn năm cũ.

Cùng với đó, trong những ngày tết còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ độc đáo như múa xòe, múa nón mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Có lẽ từ những nét văn hóa độc đáo ấy cộng với sự thân thiện, hiếu khách vốn có của người Hà Nhì mà tết Khụ Sự Chà đã trở thành một “thương hiệu” du lịch ở cực Tây đã được nhiều người biết đến.

Vào buổi tối, các chương trình giao lưu văn nghệ cũng được tổ chức sôi nổi thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Cuối buổi giao lưu, cả chủ và khách hòa chung trong điệu xòe truyền thống của dân tộc Hà Nhì giữa ánh lửa ấm áp của mùa Đông nơi biên cương Tổ quốc.

Người dân và du khách hòa trong điệu xòe đoàn kết.
Người dân và du khách cùng nắm tay nhau chung điệu xòe đoàn kết.

Ngoài những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu còn được nhiều người biết đến vì có cột mốc không số (Mốc số 0) - cực Tây của Tổ quốc. Đó cũng chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Sín Thầu thu hút và phát triển du lịch.

Xác định được thế mạnh đó, những năm gần đây các cấp chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào Hà Nhì từng bước khôi phục các bản sắc văn hóa thông qua những dịp lễ, tết. Từ đó, gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các bản để duy trì những điệu xòe, điệu múa truyền thống; phát huy nét văn hóa ẩm thực và các trò chơi dân gian…

Theo quan niệm của dân tộc Hà Nhì, việc xem gan lợn trong ngày tết có thể biết vận mệnh của gia đình trong năm mới.
Theo quan niệm của dân tộc Hà Nhì, việc xem gan lợn trong ngày tết có thể biết vận mệnh của gia đình trong năm mới.

Trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên cũng đang xúc tiến để hoàn thiện việc nâng cấp lối mở A Pa Chải lên thành cửa khẩu. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để thu hút và phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại ở mảnh đất cực Tây Tổ quốc trong thời gian tới.

Nguồn tin: laodong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây