Chuyển đổi số tại tỉnh Điện Biên: Hướng đến nền hành chính hiện đại và hiệu quả

Thứ ba - 19/11/2024 03:52
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ và xu thế chuyển đổi số đang lan rộng trên toàn cầu, việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là tại tỉnh Điện Biên không chỉ là một yêu cầu cấp bách mà còn là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý hành chính, cải cách thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với nền tảng công nghệ hiện đại, góp phần tạo ra một nền hành chính thông minh, minh bạch và gần gũi với người dân.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026 (Ảnh: Mai Giáp)
Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0, làm cơ sở để triển khai các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử và chính quyền số. Đây là bước đi quan trọng giúp tỉnh Điện Biên có thể triển khai một cách kịp thời và chính xác các giải pháp chuyển đổi số, đảm bảo tính kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và giữa tỉnh với các ban, bộ, ngành Trung ương; đồng thời tránh được tình trạng trùng lặp, lãng phí trong các hoạt động đầu tư công nghệ. Kiến trúc này cũng quy định rõ về việc tổ chức triển khai, duy trì và cập nhật các hệ thống công nghệ thông tin theo các quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử là bước nền tảng quan trọng để tỉnh Điện Biên đạt được các mục tiêu về chuyển đổi số, cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Điện Biên là xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Các hệ thống này được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo các cấp, đồng thời cải thiện công tác thực thi công vụ của công chức, viên chức trong tỉnh. Hệ thống thông tin dùng chung không chỉ giúp tăng cường tính kết nối giữa các cơ quan, đơn vị mà còn là công cụ quan trọng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một phần trong chiến lược cải cách hành chính của tỉnh, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại với mục tiêu “5 không” - Xử lý văn bản không giấy tờ; họp không gặp mặt; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không tiếp xúc; thông tin không nhập nhiều lần; thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khi hệ thống này đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đây là một bước tiến lớn trong việc số hóa công tác quản lý, giảm thiểu sự chậm trễ và nâng cao tính minh bạch trong công tác điều hành của các cấp chính quyền.


Đ/c Phạm Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở TTTT phát biểu tại Hội nghị diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn an ninh hệ thống quản lý văn bản (Ảnh: Thảo Thảo)
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong chuyển đổi số mà tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong việc chuyển đổi từ quản lý văn bản giấy sang văn bản điện tử. Tỷ lệ văn bản điện tử ký số hiện đạt 98%, một tỷ lệ rất cao so với nhiều tỉnh, thành khác trong toàn quốc. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí, thời gian xử lý văn bản mà còn nâng cao tính chính xác, an toàn trong việc lưu trữ, tra cứu và truyền tải thông tin. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, công chức của tỉnh đã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, giúp kết nối nhanh chóng, thông suốt giữa các cơ quan hành chính. 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; 100% chế độ báo cáo, nội dung thông tin, dữ liệu của tỉnh được kết nối, cung cấp đầy đủ, kịp thời với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến một phần, toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống này đã góp phần thúc đẩy quá trình làm việc từ xa, giảm bớt sự phụ thuộc vào các cuộc họp trực tiếp, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý. Hệ thống hội nghị trực tuyến đã được ứng dụng rộng rãi trong các cuộc họp của các cấp lãnh đạo tỉnh, các cuộc họp của HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện. Đặc biệt, các cuộc họp của HĐND tỉnh và cấp huyện đã triển khai giải pháp họp không giấy, với khoảng 2.000 tài khoản đại biểu tham gia. Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 35 kỳ họp với trên 2.000 tài liệu được đăng tải và gần 400 nghị quyết được ban hành. Việc ứng dụng công nghệ vào các kỳ họp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao tính minh bạch và công khai trong công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh.
Đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu về chuyển đổi số từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyên sâu rộng, chỉ đạo, tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung, quan điểm của Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 01/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn, an ninh mạng mà Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra; trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số.

 

Tác giả: Bài, ảnh: Thúy Thúy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây