DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 20/03/2013 21:02
Bà con các dân tộc thị xã Mường Lay xem chương trình biểu diễn của Đội Thông tin lưu động tỉnh. Ảnh: Quỳnh Trang
Hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng, bởi lẽ nó là công cụ chỉ đạo thông tin tuyên truyền vận động trực tiếp của Đảng, chính quyền tới quần chúng nhân dân ở cơ sở, góp phần để nhân dân thực hiện các mục tiêu KT-XH trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh nhất định.
Với nhiều hình thức tổ chức, tập hợp quần chúng gần gũi, sinh động, cổ vũ nhân dân hành động tự nguyện và thiết thực, công tác tuyên truyền, cổ động dấy lên phong trào, các cuộc vận động sôi nổi, không chỉ ở một bản, một xã mà lan rộng trong toàn huyện, toàn tỉnh và trong mọi bộ phận đảng viên, quần chúng nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền cổ động do tác động trực tiếp tới quần chúng, không những phản ánh các hành động tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân các dân tộc trong quá trình thực hiện từng công việc cụ thể, trong đời sống hằng ngày. Đây là cơ sở thực tiễn để cấp ủy, chính quyền đề ra mục tiêu điều chỉnh tiến độ,chỉ đạo biện pháp thực hiện nhiệm vụ thích hợp. Tỉnh Điện Biên có 1 đội tuyên truyền lưu động tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố đều có đội tuyên truyền lưu động đã đáp ứng được công tác tuyên truyền theo định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo các cấp, dưới sự giám sát của các ngành chức năng như Sở Thông tin Truyền thông, và trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.Với ưu thế trong công tác tuyên truyền kết hợp tốt ba phương thức hoạt động tuyên truyền cổ động đó là: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền cổ động bằng hình thức trực quan; tuyên truyền cổ động bằng hình thức văn nghệ. Ba phương thức này có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm mục tiêu chuyển tải nhiều thông tin của Đảng, Nhà nước được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, Đội văn nghệ tuyên truyền cổ động có sức lôi cuốn rất lớn với quần chúng nhân dân và đạt được hiệu quả nhất định. Phương châm của đội tuyên truyền lưu động là đúng và hay, lấy đúng làm đầu còn hay thì cố gắng; mục đích chủ yếu là để chuyển tải thông tin tuyên truyền đến được người dân một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất. Hằng năm các đội tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến cấp huyện, thị, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể sát với nhiệm vụ yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mình. Năm 2012, các đội tuyên truyền lưu động trong toàn tỉnh đã tổ chức 885 buổi biểu diễn, tuyên truyền lưu động cho 400 ngàn lượt người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước... Nội dung các buổi tuyên truyền tập trung chủ yếu vào các chủ đề như: Tuyên truyền phòng chống ma túy; HIV/AIDS; dân số - kế hoạch hóa gia đình; cải cách hành chính; xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản làng văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vận động nhân dân không di dịch cư tự do, không tin, không nhe lời kẻ xấu…Ngoài ra, căn cứ vào từng nhiệm vụ chính trị cụ thể của tỉnh, của đất nước, các đội thông tin cổ động còn chủ động phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền tuyên truyền các nhiệm vụ sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh bằng tuyên truyền miệng, cổ động trực quan để mọi người dân được biết và thực hiện. Đội tuyên truyền cổ động các cấp thực sự là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Xây dựng đội tuyên truyền cổ động từ tỉnh xuống cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của quần chúng nhân dân./.