DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 29/10/2020 22:48
DIC - Huyện Ðiện Biên hiện có 21 xã và 8 dân tộc sinh sống. Tính đến năm 2019, toàn huyện có 431/694 cán bộ, công chức viên chức (CCVC) là người DTTS (chiếm 62,1%), trong đó: Cán bộ, công chức cấp huyện là 43/154 (chiếm 27,92%); cán bộ chuyên trách cấp xã là 192/252 (chiếm 76,19%); công chức cấp xã là 196/288 (chiếm 66,67%). Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, CCVC người dân tộc thiểu số (DTTS) trình độ chuyên môn thấp, năng lực hạn chế, thiếu tính sáng tạo trong công việc, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Trước thực trạng trên, huyện Ðiện Biên xác định công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bố trí công tác đối với người DTTS; ưu tiên trong xét tuyển, bố trí, phân công công tác.
/uploads/news/2020_11/3_1.jpg Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Một trong những chính sách được huyện Ðiện Biên quan tâm thực hiện với cán bộ người DTTS, đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chính quyền các cấp trong huyện đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Từ đó rà soát, lựa chọn, cử cán bộ người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn và dài hạn về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ theo vị trí việc làm… Giai đoạn 2016 - 2019, tổng số cán bộ là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng là 1.337 người. Sau đào tạo, bồi dưỡng, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đã được nâng cao. Ngoài ra, huyện thực hiện chính sách thu hút cán bộ có trình độ, năng lực, chuyên môn giỏi về công tác tại địa bàn khó khăn có đông đồng bào DTTS. Từ năm 2015 - 2019, huyện thực hiện tuyển dụng 6/14 công chức cấp huyện là người DTTS (chiếm 42,9%); 12/22 công chức cấp xã là người DTTS (chiếm 36,4%). Việc quy hoạch, bố trí, sử dụng, đãi ngộ và luân chuyển, tăng cường cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS hoặc cán bộ DTTS có chuyên môn đến công tác tại vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS cũng được tăng cường.. Trao đổi với chúng tôi, ông Ðỗ Xuân Thọ, Trưởng Ban Tổ chức và Nội vụ huyện Ðiện Biên cho biết: Nhờ thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách phát triển chất lượng cán bộ người DTTS đã góp phần đổi mới và nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ người DTTS qua từng năm. Ðội ngũ này cơ bản đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, khả năng vận dụng đúng đắn chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian tới, Ban Tổ chức và Nội vụ huyện sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các chính sách nói trên, đồng thời ban hành thêm các chính sách đặc thù dành cho cán bộ người DTTS. Ðể tìm hiểu rõ hơn về hiệu quả của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ người DTTS, chúng tôi về xã Thanh Hưng tìm gặp đồng chí Lường Văn Tọ (dân tộc Thái) đang giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Qua chia sẻ, chúng tôi được biết, trước đây ông Tọ từng làm trưởng bản, chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Sau nhiều năm tham gia cấp ủy, chính quyền rồi được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, được cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện, ông được cử tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị. Ông tốt nghiệp đại học, được nhận bằng Trung cấp lý luận chính trị… Ông Tọ cho biết: Sau khi được bổ sung kiến thức về mọi mặt, tôi vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc theo yêu cầu nhiệm vụ, xử lý tốt những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Hiện tại, xã Thanh Hưng có 10/21 cán bộ, công chức là người DTTS, trong đó 8/10 cán bộ DTTS có trình độ đại học.