Mường Chà: Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo
Bài: Như Quỳnh
2019-12-11T02:31:10-05:00
2019-12-11T02:31:10-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/tin-tuc-tong-hop/Muong-Cha-Nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-cac-chinh-sach-giam-ngheo-4329.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 09/11/2019 21:16
DIC - Những năm qua, việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo nói chung và giảm nghèo ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Chà đã phát huy hiệu quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.
Là huyện vùng cao có điều kiện kinh tế khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao, trong những năm qua, xác định xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với việc tập trung tuyên truyền, vận động giúp người dân nắm được chủ trương, chính sách về giảm nghèo, thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất; hàng năm huyện Mường Chà còn chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Một trong những biện pháp quan trọng được huyện triển khai là thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, hàng năm các xã đều tổ chức cấp cây, con giống nhằm tạo điều kiện giúp người dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Ðáng chú ý, các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn cũng được huyện chú trọng nhân rộng, như: Mô hình trồng dứa, dong riềng, chăn nuôi đại gia súc... Trong những năm gần đây, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây dứa đem lại so với những cây trồng khác, huyện Mường Chà đã tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng dứa. Cây dứa trước đây được người dân trồng tự phát, nhưng sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dứa mang lại, huyện đã triển khai trồng dứa ở diện rộng, thay thế loại cây trồng như lúa nương, ngô sắn… Hiện, cây dứa được triển khai trồng chủ yếu 3 xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Tổng diện tích dứa toàn huyện gần 200 ha, với mật độ từ 25.000 -30.000 gốc/ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Hiện nay, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại lợi nhuận cao, từng bước giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Trong những năm tới, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu cho dứa Mường Chà, đồng thời, phối hợp cùng với các Hợp tác xã tìm ra nơi tiêu thụ ổn định, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgap để quả dứa được nâng cao giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dứa tại địa phương, tạo ra mặt hàng mới có giá trị cao hơn, góp phần nâng cao thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với việc phát triển cây dứa thì mô hình chăn nuôi bò theo nhóm của các hộ dân ở xã Pa Ham cũng là một "điểm nhấn". Được khởi nguồn thực hiện từ năm 2016 tại bản Huổi Đáp, trên tinh thần tự nguyện của các nhóm hộ có cùng sở thích, với 6 hộ dân tham gia. Để thanh lập được mô hình này các hộ gia đình hội viên phải tự nguyện tham gia dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Với nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân của huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi, đến nay đàn bò đã phát triển lên gần 30 con. Có thể nói, mô hình đã góp phần rất lớn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phương pháp tiếp cận đối với việc thực hiện các hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước; nâng cao nhận thức của người dân bởi người dân được quyền quyết định chi trả, tự chịu trách nhiệm tài sản của mình. Mô hình này không chỉ tạo điều kiện cho các hộ cùng nhau phát triển, trao đổi kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, hạn chế dịch bệnh, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng dân cư. Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện có hơn 600 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, tổng số lao động dân tộc được đào tạo nghề là trên 1.000 người. Các chính sách về giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe các dân tộc được thực hiện kịp thời, hiệu quả; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy… Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần người dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Ông Đinh Xuân Tiến - Phó chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: "Đối với những chính sách dân tộc, bằng các chương trình mục tiêu, các dự án của Đảng, Nhà nước thực hiện trên địa bàn trong những năm qua góp phần rất quan trong trong việc cải thiện về đời sống kể cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện. Bộ mặt nông thôn miền núi của huyện ngày càng đổi mới và phát triển, các công trình về cơ sở hạ tầng, điện, nước, giao thông đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Các mô hình thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân biết áp dụng, đưa giống cây trồng, vật nuôi vào phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện". Trong thời gian tới, để tiếp tục giảm tỉ lệ hộ nghèo, huyện Mường Chà sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp và chính quyền địa phương cũng tiếp tục thực hiện rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn để xác định những chính sách phù hợp, qua đó, có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, đồng thời tiếp tục tìm ra nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp người dân thoát nghèo bền vững./.