DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 06/10/2015 04:20
Thành phố Điện Biển Phủ. Ảnh: Internet.
DIC - Điện Biên là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; xa các trung tâm kinh tế lớn. Nửa đầu nhiệm kỳ, tình hình lạm phát, giá cả một số mặt hàng tăng cao; thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm (2010-2015) đạt 9,11%/năm. Bình quân GRDP đầu người năm 2015, ước đạt 23,6 triệu VNĐ (1.130 USD), tăng 89,43% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2015, nông, lâm nghiệp chiếm 23,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,35%, dịch vụ chiếm 45,55%. Nông nghiệp phát triển khá, đã phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, mặt nước, kinh nghiệm sản xuất. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 241,7 ngàn tấn, tăng 8,61% so với năm 2010; lương thực bình quân 446 kg/người (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII). Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp có sự chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu quả; một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện có tác dụng tích cực. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân ước đạt 5,78%/năm. Chăn nuôi hộ gia đình được chú trọng; có sự đổi mới phương pháp chăn nuôi, chú trọng kỹ thuật sản xuất giống và tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá (sản lượng tăng bình quân ước đạt 9,87%/năm). Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (giá so sánh 2010) ước đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,8%/năm. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, khai thác khoáng sản; một số dự án đã và đang triển khai, phát huy hiệu quả (thủy điện; vật liệu xây dựng...). Mạng lưới hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng phục vụ nâng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng bình quân 17,67%/năm, gấp 2,26 lần so với năm 2010. Hạ tầng thương mại các đô thị được đầu tư; bước đầu thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch; du lịch lịch sử được tập trung khai thác, phát huy; hình thành một số khu du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp; lượng khách và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng khá. Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông phát triển khá nhanh; chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân. Hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì. Giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 36 triệu USD, tăng bình quân 22,04%/năm, gấp 2,7 lần so với năm 2010, trong đó : xuất khẩu 27 triệu USD, nhập khẩu 9 triệu USD. Đang tập trung phối hợp chuẩn bị cho việc mở Cửa khẩu A Pa Chải- Long Phú. Hoạt động tài chính, quản lý điều hành ngân sách đảm bảo theo luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015, ước đạt 750 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010; tổng thu ngân sách 6.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010. Hoạt động tín dụng mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Lãi suất cho vay, nợ xấu được điều hành, quản lý linh hoạt, đúng quy định. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển đàn gia súc, tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh. Trong nhiệm kỳ tới, Điện Biên tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và ngành, lĩnh vực có thế mạnh./.