DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/11/2018 13:35
DIC - Sau một năm triển khai thực hiện chủ đề "Xây dựng Nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững", tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó Huổi Lèng - một xã vùng cao khó khăn của huyện Mường Chà đã có những cách thức triển khai nội dung này một cách phù hợp và thiết thực. Huổi Lèng đã xác định khâu đột phá trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới là gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
/uploads/news/2018_12/chi-bo-ban-trung-dinh-xa-huoi-lenghuyen-muong-cha-tuyen-truyen-cho-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan-ve-chu-de-xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-giam-ngheo-ben-vung-tai-cac-thon-ban-1_1.png Chi bộ bản Trung Dình, xã Huổi Lèng,huyện Mường Chà tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ đề xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững tại các thôn, bản. Cách Trung tâm thị trấn Mường Chà chưa đầy 20km, đường đến Huổi Lèng có thể nói là tương đối thuận tiện và dễ đi. Huổi Lèng hiện đang là địa bàn sinh sống của hơn 3.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc: Mông, Hoa và dân tộc Kinh. Huổi Lèng gồm có 7 bản là: Huổi Lèng, Trung Dình, Ma Lù Thàng, Ca Dí Nhè, Nậm Chua và Huổi Toóng 1, 2. Tuy nhiên, chỉ đi từ Trung tâm huyện Mường Chà qua Huổi Lèng mới có đường nhựa được trải đến tận nơi còn để đến các thôn bản khác thì địa hình lại chủ yếu là núi cao, khe sâu kết hợp với trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, người dân còn tư tưởng trông chờ nguồn vốn trợ cấp của Nhà nước và chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo đang là những yếu tố khiến nhiều năm liên tục, Huổi Lèng luôn được xác định là xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển của huyện Mường Chà, với tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 70%. Đây cũng chính là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây trong việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững. Trước kia, Huổi Lèng từng được xem là vùng trọng điểm nuôi thả cánh kiến của tỉnh đó là dự án nuôi thả cánh kiến do Lâm trường Đặc sản Lai Châu triển khai, thực hiện. Sau khi Lâm trường Đặc sản Lai Châu giải thể, toàn bộ diện tích hơn 350 ha cây cánh kiến của Huổi Lèng được chia đều cho người dân trên địa bàn bản Trung Dình cùng 3 bản khác là Huổi Toóng 1,2 và Huổi Lèng chăm sóc, song diện tích cánh kiến chủ yếu vẫn là ở bản Trung Dình. Với cương vị là Bí thư Chi bộ bản Trung Dình, ngay sau khi được tiếp cận chủ đề xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững ông Hạng Pàng Chứ đã triển khai đầy đủ nội dung của Chương trình tới toàn thể đảng viên trong Chi bộ, đồng thời tuyên truyền, phổ biến tới 100% bà con dân bản thông qua các cuộc họp Chi bộ, họp bản để bà con đồng thuận thực hiện. Bản Trung Dình hiện có 110 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, song chỉ có khoảng 40% hộ nghèo. Thành quả ấy là do trên địa bàn Trung Dình tiếp tục duy trì chăm sóc gần 300 ha diện tích trồng cánh kiến đem lại thu nhập không hề nhỏ cho các hộ dân trong bản. Ngoài nuôi trồng cánh kiến, trong phát triển kinh tế, bà con dân bản Trung Dình còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây dứa, cây chuối để tăng thu nhập thay vì trồng đậu tương và lạc như trước, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm từng nên kinh tế có phần phát triển hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, trong thời gian tới đây, Trung Dình còn là địa bàn dự kiến sẽ được triển khai dự án trồng các giống cây như: Na và Táo mèo để bà con nhân dân tập trung xóa đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Được biết, trong thời gian qua, không chỉ có Trung Dình mà đối với các địa bàn khác, Đảng ủy, UBND xã Huổi Lèng và các cấp ủy, chi ủy cơ sở đều thực hiện triển khai nội dung xây dựng Nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đồng thời thống nhất đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo làm mục tiêu phấn đấu để đưa Chương trình xây dựng Nông thôn mới đi vào cuộc sống và trở nên thiết thực hơn ở Huổi Lèng. Do đó, trước tiên Đảng ủy xã Huổi Lèng đã quán triệt, triển khai đến toàn thể đảng viên tại các Chi bộ nâng cao ý thức, trách nhiệm, nêu gương trong việc phát triển kinh tế tại chính hộ gia đình mình, đồng thời vừa giúp đỡ và vận động cộng đồng dân bản thực hiện Chương trình. Đặc biệt, ngoài chỉ tiêu đảng viên trong các bản không phải là hộ nghèo, thì mỗi đảng viên cũng được phân công tham gia giúp các hộ nghèo trong bản phát triển, xây dựng các mô hình kinh tế và vận động bà con đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Mục tiêu phấn đấu của Huổi Lèng trong năm 2018 là toàn xã sẽ có từ 10-12 hộ gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Có thể khẳng định, việc triển khai, lồng ghép nội dung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Huổi Lèng trong thời gian qua đã mang lại những kết quả thiết thực, đáng ghi nhận, góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, với điều kiện canh tác nông nghiệp hạn chế, cơ sở hạ tầng tại các bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn còn thấp kém và chưa được đầu tư đúng mức, thì trong thời gian tới Huổi Lèng vẫn rất cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để hoàn thiện các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân cũng như tăng tỷ lệ đạt các tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, kết hợp tăng cường hơn nữa nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, cung cấp thêm các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả, thiết thực mục tiêu Chương trình xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay./.