DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/08/2019 20:56
DIC - Thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân không phải là mới. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng đã xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng với thủ đoạn tinh vi, kịch bản được dàn dựng công phu, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của một số người dân, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân TP Hà Nội thông báo với các nạn nhân là thông tin của họ bị đánh cắp để lập tài khoản ngân hàng sử dụng cho việc mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền. Để phục vụ công tác điều tra, nạn nhân phải chuyển một số tiền lớn theo yêu cầu vào số tài khoản đối tượng cung cấp, sau đó các đối tượng rút tiền và cao chạy xa bay.
/uploads/news/2019_08/cbcs-doi-canh-sat-hinh-su-ca-tp-dien-bien-phu-xac-minh-thong-tin-chi-do-thi-mai.jpg CBCS Đội Cảnh sát hình sự CA TP Điện Biên Phủ xác minh thông tin chị Đỗ Thị Mai. Từ đầu tháng 6 năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã xảy ra 3 vụ và các nạn nhân đã chuyển cho các đối tượng gần 600 triệu đồng. Bà H.L trú tại phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ cho biết, sáng ngày 22/7/2019, bà nhận được điện thoại của một nam giới tự giới thiệu là nhân viên bưu điện Hà Nội nói bà có một bưu phẩm nhưng không chuyển được, bà có muốn biết nội dung thì anh ta sẽ bóc. Sau khi bà L đồng ý, đối tượng nói trong bưu phẩm có một lệnh triệu tập bà đến Công an TP Hà Nội để làm việc về một khoản nợ 45 triệu đồng bà vay của ngân hàng ACB đã quá hạn mà chưa trả. Bà L nói không vay cũng không sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng ACB. Đối tượng liền nói để nối máy cho bà gặp một cán bộ điều tra Công an TP Hà Nội làm việc cho rõ. Đối tượng thứ hai giả danh Công an TP Hà Nội tra hỏi về nhân thân, thông tin cá nhân và khẳng định có một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia vừa bị triệt phá, các đối tượng bị bắt khai nhận có thuê bà L mở tài khoản ngân hàng với giá 200 triệu đồng và dùng để mua bán ma túy, sau mỗi giao dịch thành công bọn chúng trả cho bà từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đang hoang mang thì đối tượng giả danh công an tiếp tục nối máy cho bà L gặp đối tượng thứ ba giả danh cán bộ viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện, đối tượng thừ ba tiếp tục tra hỏi và khẳng định đã có lệnh bắt, khám xét nhà và phong tỏa tài sản của gia đình bà. Thông cảm và tạo điều kiện cho bà ở xa sẽ làm việc qua điện thoại và bà phải tuyệt đối giữ bí mật và để chứng minh vô tội, bà L phải kê khai tài sản và chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tài khoản do bọn chúng cung cấp để phục vụ điều tra. Sau khi được chứng minh không liên quan đến đường dây ma túy, bà sẽ được trả lại số tiền trên. Sau cuộc điện thoại, quá hoang mang, lo sợ nên bà L nhanh chóng mang cuốn sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút được 570 triệu đồng rồi chuyển ngay vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sáng ngày hôm sau các đối tượng tiếp tục yêu cầu bà L chuyển vào tài khoản số tiền 150 triệu nhưng bà L bận việc chưa chuyển được. Khi chuyển tiền, xong bình tĩnh trở lại, nhận thấy có điều không ổn, bà L đến trình báo sự việc tại Công an phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ. Đến lúc này, bà L mới biết mình đã rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng. Tương tự trường hợp trên, chị Nguyễn Thị H. Y, trú tại phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cũng bị những kẻ giả danh lừa đảo chiếm đoạt 23 triệu đồng. Theo đó, cũng trong sáng 22/7/2019, có đối tượng nam giới tự xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội gọi điện thoại cho chị Y và nói chị có bưu phẩm không chuyển được và chị có muốn biết nội dung không? Do hay mua bán hàng trên mạng xã hội, nghĩ là hàng của mình bị trục trặc không chuyển được nên chị Y đồng ý. Tương tự như thủ đoạn đã lừa bà H.L ở trên các đối tượng bắt chị Y giữ máy điện thoại nhiều tiếng đồng hồ, dẫn dắt câu chuyện rồi dọa nạt chị phải đối mặt với mức án chung thân, tử hình. Để điều tra làm rõ chị phải chuyển một khoản tiền từ 20 đến 50 triệu đồng vào một tài khoản để phục vụ điều tra vào bảo vệ tài khoản đang sử dụng của chị. Sau khi kết thúc điều tra, nếu chị vô tội sẽ được trả lại tiền. Do điều kiện khó khăn chị Y phải gom góp hết số tiền tiết kiệm được và chuyển cho đối tượng 23 triệu đồng. Đến ngày hôm sau chị Y liên lạc lại để hỏi thông tin thì đều bị chặn, lúc đó chị mới biết mình bị lừa. Cũng với kịch bản giống hệt hai vụ lừa đảo trên, trước đó ngày 22/6/2019 các đối tượng đã dàn dựng câu chuyện kín kẽ, kẻ tung, người hứng để lừa chị Đỗ Thị Mai, trú tại tổ 5, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ chuyển khoản cho chúng. Thậm chí để tạo lòng tin cho nạn nhân, các đối tượng còn hướng dẫn chị Mai tra cứu địa chỉ trụ sở, số điện thoại Công an TP Hà Nội. Sau khi tra cứu xong chị Mai thấy các thông tin trùng khớp, nhất là số điện thoại đang gọi cho chị rất giống với số điện thoại đường dây nóng. Khi chị Mai yêu cầu gọi video call các đối tượng vẫn đồng ý, tuy nhiên không cho nhìn rõ mặt với lý do giữ bí mật điều tra. Nghi ngờ, các đối tượng lừa đảo chị Mai đã không chuyển tiền và đến Công an thành phố Điện Biên Phủ để trình báo, các đối tượng lập tức cắt mọi liên lạc. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Điện Biên Phủ, thủ đoạn của các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng rất tinh vi, có tổ chức, có kịch bản dàn dựng chi tiết, nhằm vào các đối tượng nữ giới vì có tâm lý mềm yếu, dẫn dắt nạn nhân từ chuyện đơn giản đến phức tạp, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với cơ quan điều tra. Để khiến bị hại thực sự lo lắng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân như số chứng minh thư, địa chỉ… và để tạo niềm tin bọn chúng còn hướng dẫn bị hại tra cứu địa chỉ, số điện thoại cơ quan Công an trên google. Các nạn nhân kiểm tra thì đúng thông tin địa chỉ, số điện thoại, nhưng thực ra bọn chúng đã sử dụng số điện thoại gần giống với số cơ quan Công an để lừa nạn nhân. Vì trong lúc hoảng sợ nạn nhân không nhận ra được sự khác biệt, thậm chí bọn chúng sẵn sàng cho nạn nhân gọi video nhưng không cho nhìn rõ mặt, chỉ cho thấy quần áo công an và biển hiệu. Theo Trung tá Vũ Xuân Cường - Phó đội trưởng đội Cảnh sát hình sự Công an TP Điện Biên Phủ thì: để tránh bị các đối tượng tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì việc quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng, nhất là khi có người lạ tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại yêu cầu làm việc. Cơ quan Công an không trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp pháp. Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì, cơ quan chức năng không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản, có đầy đủ các thành phần theo quy định. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng. Để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng… Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn. Hiện Công an tỉnh Điện Biên đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật./.
Tác giả: Bài, ảnh: Trường Long - Công an Điện Biên