DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 26/11/2020 22:04
DIC - Nội dung trọng tâm được các đại biểu dự tọa đàm “Hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử” là giải pháp cụ thể, hiệu quả để chống nạn vi phạm bản quyền số.
https://mic.gov.vn/Upload_Moi/2020_vn/20201126-ta1.jpg 20201126-ta1.jpg Tìm giải pháp hữu hiệu bảo vệ bản quyền trên môi trường kỹ thuật số Gia tăng vi phạm bản quyền với cách thức tinh vi, luôn thay đổi Ngày 25/11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã chủ trì tổ chức tọa đàm “Hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử”. Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc, với sự phổ biến của Internet và công nghệ phát triển, ngày càng có nhiều người sử dụng các nội dung trực tuyến. Dù là từ điện thoại di động, máy tính bảng hay ti vi thông minh, mức tiêu thụ kỹ thuật số ngày càng tăng và trở thành lựa chọn mặc định để người dùng truy cập phim, ti vi, nhạc, sách, phần mềm, trò chơi. “Tuy nhiên, với sự gia tăng này, người xem có thể lựa chọn từ nhiều nền tảng phát trực tuyến các nội dung vi phạm bản quyền bất hợp pháp. Ngoài ra, việc sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị di động cùng với băng rộng tốc độ cao và khả năng lưu trữ chi phí thấp đã giúp thúc đẩy xu hướng vi phạm bản quyền kỹ thuật số”, ông Phúc nhận định. Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết, thời gian vừa qua, Cục đã nhận được nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc…. Quá trình làm, Cục nhận thấy, vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Đại diện Cục PTTH&TTĐT nêu rõ: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp, tuy nhiên diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn”. Từ thực tế của đơn vị mình, bà Phạm Thanh Thủy, phụ trách bộ phận chống vi phạm bản quyền của K+ cho biết, K+ đang sản xuất 4 kênh tập trung vào thể thao và sản xuất phim truyền hình, trong đó nội dung về giải Ngoại hạng Anh bị vi phạm bản quyền nhiều nhất. Các hình thức vi phạm bản quyền với nội dung của K+, theo bà Thủy, xuất hiện ở cả báo điện tử, trên các mạng xã hội, các kho ứng dụng và các website, sàn thương mại điện tử. Trong đó, các báo, trang thông tin điện tử thường lấy các đoạn clip ngắn để làm highlight trong bản tin hay phát trực tiếp các trận bóng. Trên các mạng xã hội YouTube và Facebook, việc up và phát livestream các nội dung vi phạm cũng rất nhiều. “Các nhà đài đều là nạn nhân của các trang website, sàn thương mại điện tử. Riêng với K+, chúng tôi đã phát hiện 60 website livestream các trận bóng đá, sử dụng sóng nước ngoài, domain name quốc tế; 200 web vi phạm bản quyền phim cùng hàng nghìn link rao bán tài khoản lậu và các thiết bị xâm phạm bản quyền trên sàn thương mại điện tử”, bà Thủy cho biết. Tương tự như K+, đại diện VTVCab cho biết doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền khá phổ biến trên môi trường số, chủ yếu với các nội dung về phim,chương trình hot, bóng đá. Trong đó, VTVCab bị vi phạm nhiều nhất là các kênh thể thao, các nội dung bóng đá. Đại diện Đài PT-TH Vĩnh Long chia sẻ, sở hữu 4 kênh truyền hình cùng kênh YouTube có hơn 10 triệu sub và hàng tỷ lượt view, đài địa phương này trong nhiều năm qua cũng trở thành miếng mồi ngon của các đối tượng vi phạm bản quyền: “Chúng tôi rất đau đầu về nạn vi phạm bản quyền. Tình trạng vi phạm nhiều, biến thể với nhiều hình thức: re-up, bóp méo tiếng, khung hình, lấy tín hiệu làm live... Đài bị thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng rating nhiều”. Cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp Tại tọa đàm, bên cạnh việc phản ánh các phương thức, thủ đoạn vi phạm bản quyền, chia sẻ kinh nghiệm xử lý, một nội dung trọng tâm được các giải pháp tập trung thảo luận là các giải pháp để có thể phòng chống hiệu quả vấn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số. Theo đại diện K+, chặn truy cập là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bản quyền nội dung số. Sau một số năm áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, đại diện bộ phận chống vi phạm bản quyền của K+ đề xuất 2 giải pháp, trước hết là tiếp tục tìm ra những phương thức phù hợp nhất để đem lại hiệu quả tốt nhất cho việc chặn truy cập đến các website vi phạm bản quyền; và tác động đến người sử dụng. “Người sử dụng là một yếu tố quan trọng để nuôi sống các website vi phạm, do đó tác động vào người dùng sẽ mang lại hiệu quả tốt. Hiện một số nước trên thế giới là định danh người dùng Internet, sau đó sẽ gửi cảnh báo, thậm chí là phạt tiền những người tham gia truy cập vào các website vi phạm bản quyền quá nhiều”, đại diện K+ giải thích thêm. Đại diện VTVCab kiến nghị Cục PTTH&TTĐT đứng ra xúc tiến thành lập một liên minh các đài, các đơn vị có bản quyền để bảo vệ bản quyền, xây dựng cơ chế phối hợp với cơ quan nhà nước giúp các đơn vị có “cây gậy” để bảo vệ nội dung, bảo vệ bản quyền. “Chúng tôi cũng kiến nghị “dẹp” các website lậu; sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, đưa ra tòa, xử lý hình sự các vụ việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Đồng thời, các đơn vị cũng cần công khai thông tin bản quyền; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức”, đại diện VTVCab đề xuất. Ở góc độ của một ISP, đại diện FPT Telecom cũng ủng hộ mong muốn có một một liên minh, tổ chức để chung tay bảo vệ bản quyền, chống vi phạm bản quyền. Sẽ thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền PTTH&TTĐT Trao đổi tại tọa đàm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc nhận định, có lẽ cách hiệu quả nhất để đối phó vi phạm bản quyền kỹ thuật số, hạn chế người tiêu dùng bất hợp pháp là trải nghiệm khách hàng và giá cả, bên cạnh thư viện nội dung. Theo ông Phúc, việc mang đến cho người dùng một giao diện đơn giản, dễ sử dụng, không có hiện tượng trễ và chất lượng video tốt có thể ngăn người xem tránh xa các nền tảng và bản sao nội dung vi phạm bản quyền chất lượng kém. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn, người tiêu dùng có thể ít bị ép buộc hơn bởi các con đường vi phạm bản quyền. Nhấn mạnh giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức vẫn là giải pháp cốt lõi, ông Phúc cũng lưu ý đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như quy định về chặn gỡ link vi phạm. “Livestream vi phạm là xu hướng lo ngại hơn cả. Do vậy, quan trọng là tốc độ. Việc xóa nội dung khỏi Internet càng nhanh càng tốt là cách tốt nhất để ngăn chặn những hành vi vi phạm và hướng người tiêu dùng đến các lựa chọn thay thế hợp pháp”, ông Phúc nói. Riêng về vấn đề hợp tác, ông Phúc cho rằng, mặc dù các công ty ở tất cả các cấp của chuỗi phát sóng đang có sự cạnh tranh, nhưng thiệt hại do vi phạm bản quyền nội dung là quá lớn nên cần nỗ lực đồng bộ trong hợp tác. Những điều này cần phải diễn ra ở tất cả các cấp của ngành và ở tất cả các bước của quy trình, từ sản xuất và bảo mật nội dung tại chỗ cho đến truyền tải. Càng nhiều công ty và tổ chức tham gia, giải pháp tổng thể càng hiệu quả. “Trung tâm bảo vệ bản quyền PTTH&TTĐT thuộc Cục PTTH&TTĐT sẽ ra đời trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong được sự hợp tác của các ISP, hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu quyền và chủ sở hữu quyền”, người đứng đầu Cục PTTH&TTĐT nói.