DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 14/06/2020 14:53
DIC - Dịch vụ công trực tuyến được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công, góp phần tăng năng suất, chất lượng xử lý thủ tục hành chính. Tại tỉnh ta, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá mới nên việc tập trung tuyên truyền là hết sức cần thiết để các đơn vị, tổ chức, cá nhân hiểu, nắm rõ các lợi ích và dễ dàng tiếp cận, thực hiện dịch vụ hiện đại này.
/uploads/news/2020_07/06.jpg Người dân truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến trên máy tra cứu thông tin tại bộ phận “Một cửa” UBND TP. Ðiện Biên Phủ. Công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến được Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu hút được sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bà Lâm Thanh Hà, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, Sở tích cực phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về việc sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức. Cụ thể như: Ðăng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng nội dung các khẩu hiệu tuyên truyền đặt trên 16 cổng/trang thông tin điện tử các đơn vị liên kết đến Cổng dịch vụ công của tỉnh; sản xuất tờ rơi tuyên truyền về Cổng dịch vụ công với số lượng trên 10.000 tờ, phát hành cho 417 đơn vị; in 159 biển hiệu giới thiệu Cổng dịch vụ công treo tại bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị... Tình trạng giải quyết hồ sơ cũng được thông báo trên mạng xã hội Zalo, gửi tin nhắn qua Zalo. Ðến nay đã có 3.785 tài khoản Zalo kết nối, quan tâm Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. TP. Ðiện Biên Phủ là một trong số những đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ vậy, số hồ sơ giao dịch qua cổng dịch vụ công trực tuyến của TP. Ðiện Biên Phủ đạt con số hơn 4.600, cao nhất trong toàn tỉnh. Bà Mai Thị Hường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Ðể có thể tuyên truyền tốt cho người dân thì trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này phải nắm vững những nội dung của dịch vụ công trực tuyến. Chính vì vậy, Phòng tham mưu cho UBND thành phố tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến và quản lý thông tin kinh tế - xã hội cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn, xã, phường trên địa bàn. Ngoài ra, phòng tổ chức đăng tải các nội dung tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử TP. Ðiện Biên Phủ; giao Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình thành phố xây dựng tin bài tuyên truyền; niêm yết các văn bản về dịch vụ công trực tuyến tại các bộ phận “một cửa” của thành phố, các xã, phường... Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã biết đến và thực hiện gửi, nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Theo thống kê từ Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, đến hết ngày 3/6, tổng số tiếp nhận là 31.509 hồ sơ; trong đó đã xử lý 25.450 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 78%... Có nhiều đơn vị thực hiện tốt, như: Sở Công Thương 1.024 hồ sơ, Sở Y tế 825 hồ sơ, UBND TP. Ðiện Biên Phủ 4.625 hồ sơ, UBND huyện Ðiện Biên 3.431 hồ sơ, UBND huyện Mường Ảng 1.382 hồ sơ… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoặc số lượng hồ sơ còn thấp so với thực tế, đặc biệt là cấp xã. Ðơn cử như Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, các: huyện Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Nậm Pồ... Hiện nay cũng mới chỉ có 93/129 xã, phường, thị trấn phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Như vậy có thể thấy, công tác tuyên truyền vẫn cần phải tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để có thể đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí.