Phát huy tiềm năng thương mại biên mậu
Ðức Cường
2018-10-15T04:05:13-04:00
2018-10-15T04:05:13-04:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Phat-huy-tiem-nang-thuong-mai-bien-ma-u-3928.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 15/10/2018 04:05
Là tỉnh có biên giới giáp 2 quốc gia: Trung Quốc và Lào, thời gian qua các cấp, ngành chức năng tỉnh đã nỗ lực phối hợp tạo thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa. Hiện nay, tỉnh ta có 3 cặp cửa khẩu với Lào, gồm: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc, Cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son và Cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có lối mở A Pa Chải - Long Phú. Ðây là tiềm năng để tỉnh ta phát triển hoạt động thương mại biên mậu. Tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư liên doanh, liên kết với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc).
Từ đầu năm đến nay, đã có 3 doanh nghiệp trong tỉnh được kết nối và hỗ trợ tham gia 6 hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Lan (xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên) tham gia Hội chợ Thương mại tỉnh Bo Kẹo (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Ngoài ra, ngành Công Thương đã cung cấp 20 thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong nước và 3 thông tin về hội chợ, triển lãm tại nước ngoài cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðây là những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp góp mặt tại những hội chợ triển lãm với quy mô lớn, mà những phiên chợ tổ chức tại các xã biên giới cũng mang lại hiệu quả tích cực. Ðiển hình như, phiên chợ biên giới tại xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) tổ chức trong tháng 9 vừa qua đã thu hút gần 30 doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam và Lào tham gia với 40 gian hàng, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng trong và ngoài nước có chất lượng. Ðiểm mới tại phiên chợ là có sự tham gia 4 gian hàng của 2 xã: Chà Nưa và Chà Cang trưng bày các mặt hàng mây tre đan, thổ cẩm, nông sản, đặc sản địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh. Tỉnh Phoong Sa Ly cũng tham gia 2 gian hàng giới thiệu, quảng bá và bán các mặt hàng: Trà Phoong Sa Ly, mật ong, mì chính, hóa mỹ phẩm… Ngoài các gian hàng do Ban Tổ chức chuẩn bị để phục vụ doanh nghiệp trưng bày hàng hóa, người dân cũng mang đến phiên chợ nhiều nông sản tự sản xuất. Do đó, phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân các huyện: Mường Mày, Săm Phằn (tỉnh Phoong Sa Ly); Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà đến tham quan, mua sắm. Những phiên chợ thương mại biên giới được tổ chức như vậy không chỉ là “cầu nối” hữu nghị hợp tác, phát triển thương mại biên giới giữa các nước láng giềng mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thực tế cho thấy, sau mỗi phiên chợ đã có nhiều hợp đồng được thiết lập, ký kết, các chương trình liên kết, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác phát triển thương mại biên giới, mở rộng thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu. Ðồng thời, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Với cách làm linh hoạt, thời gian vừa qua, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh tương đối phát triển, đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên. Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương: 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của tỉnh ước đạt 46,88 triệu USD (tăng 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,06 triệu USD (tăng 35%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,82 triệu USD (tăng 31%). Nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn giữ được lượng hàng xuất khẩu ổn định, như: Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên, Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Thương mại Hải Hưng, Công ty Cổ phần Ðầu tư Tài nguyên và Năng lượng Ðiện Biên cùng hàng trăm hộ kinh doanh cá thể buôn bán qua biên giới. Tại thị trường Lào, qua các cửa khẩu, lối mở, giá các loại mặt hàng xuất khẩu không có biến động, tập trung vào nhóm hàng vật liệu xây dựng. Ðối với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nông, lâm sản, như: Củ khúc khắc, bông chít, gỗ... Với thị trường Trung Quốc qua lối mở A Pa Chải - Long Phú các phiên chợ vẫn diễn ra đều đặn vào các ngày 3, 13, 23 hàng tháng, hàng hóa trao đổi buôn bán chủ yếu là đồ gia dụng, trang phục, thực phẩm công nghệ, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ. Mặc dù hoạt động thương mại biên mậu đạt được nhiều kết quả tích cực song hiện nay hầu hết các cửa khẩu đều nằm xa trung tâm kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, mật độ dân cư thấp nên chưa thực sự thu hút thương nhân 2 bên biên giới đến kinh doanh tại chợ. Ðể thương mại biên mậu phát triển hơn nữa, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh thì cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các chợ vùng biên. Ðồng thời. rà soát, đa dạng hóa sản phẩm, bổ sung cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, kinh doanh thương mại, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nâng cao giá trị hàng xuất nhập khẩu.
Tác giả: Ðức Cường
Nguồn tin: CDC Điện Biên