Cựu binh Pháp nặng lòng với Ðiện Biên
Văn Thành Chương
2019-01-30T21:49:49-05:00
2019-01-30T21:49:49-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Cuu-binh-Phap-nang-long-voi-Dhien-Bien-4047.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 30/01/2019 21:49
DIC - Chiến tranh đã qua đi gần 65 năm, những người lính của quân đội Pháp từng tham chiến tại Ðiện Biên Phủ nay đã trên dưới 90 tuổi; nhiều người đã ra đi, một số khác không còn minh mẫn. Với nhiều cựu binh, ký ức về Ðiện Biên Phủ vẫn luôn in đậm trong tâm trí họ.
/uploads/news/2019_01/phap1_1.jpg Ông Jacques Allaire (bên phải) trò chuyện với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và thành viên trong đoàn công tác. Vào một chiều cuối thu năm 2018, chúng tôi có mặt tại Sân bay Ðiện Biên Phủ để đón đoàn công tác của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Trong đoàn người bước xuống, tôi vô cùng ấn tượng về một cụ già có mái tóc bạc trắng, vóc người nhỏ nhắn trong bộ vét màu ghi lịch lãm, trên ngực đeo nhiều loại huân chương. Tay ông cụ luôn nắm chặt chiếc ba toong để đỡ cho đôi chân thương tật - đó là Ðại tá Jacques Allaire, cựu binh Pháp đã 94 tuổi và từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Ðiện Biên Phủ. Khi đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, ông Allaire chầm chậm chống chiếc ba toong đi dọc hành lang nơi khắc ghi tên tuổi những người lính Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến. Dưới ánh nắng chiều loang lổ, gương mặt già nua của ông hiện rõ vẻ căng thẳng. Có lúc ông dừng lại khi bắt gặp hình ảnh của chính mình in bóng lên những tấm đá đen lạnh lẽo. Ông chỉ vào một bảng danh sách và nói với một tùy viên quân sự của Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam bằng tiếng Việt: “Hà Tây”. Ðó là tấm bảng khắc tên những người lính đã hy sinh tại chiến trường này, quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông Allaire dành khá nhiều thời gian để trả lời những câu hỏi của phóng viên qua sự phiên dịch của tùy viên quân sự Pháp. Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, Jacques Allaire là trung tá thuộc Tiểu đoàn nhảy dù số 6 và giữ chức vụ Phân đội trưởng một đơn vị pháo 120mm tại lòng chảo Ðiện Biên. Ông đã nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ 2 lần vào tháng 11/1953 và tháng 3/1954. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã trở lại Việt Nam 6 lần, trong đó 1 lần với vai trò cố vấn cho bộ phim “Ðiện Biên Phủ” của đạo diễn Pierre Schoendoerffer. Và lần cùng Thủ tướng Pháp trở lại Ðiện Biên dịp này là lần thứ 7. Khi trả lời báo chí trên Ðồi A1 về cảm xúc trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, ông Allaire cho biết: “Tôi cảm thấy như đang mơ. Khi đến mảnh đất này, những ký ức về cuộc chiến, về đồng đội của tôi lại hiện về. Tôi nghĩ về quãng thời gian đó, một sai lầm chiến lược nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu như những người lính. Chúng tôi không thể giành chiến thắng, sự dũng cảm chưa đủ mà còn cần phải có người chỉ huy tác chiến tài giỏi… Ký ức về thất bại của quân đội Pháp ở đây không phải điều đáng tự hào để nhắc lại, nhưng có thể nói, sau cuộc chiến, chúng tôi luôn tôn trọng những người lính Việt Nam, đặc biệt là ngưỡng mộ tài cầm quân của ngài Ðại tướng Võ Nguyên Giáp”. http://baodienbienphu.info.vn/uploads/0-Nam 2019/xuan/30.2.jpg /uploads/news/2019_01/phap2.jpg Ông Allaire đi dọc hành lang nơi khắc ghi tên tuổi những người lính Việt Nam đã hi sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954. Nhảy dù xuống lòng chảo Ðiện Biên lần đầu vào năm 1953 khi vừa tròn 30 tuổi, Allaire kể: “Khoảnh khắc nhảy dù lần đầu tiên xuống mảnh đất này, tôi không có sự lo sợ vì tôi đã là một lính nhảy dù dày dặn kinh nghiệm. Lần thứ 2, tôi không biết làm thế nào để chúng tôi thoát khỏi trận chiến này, nó kéo dài 56 ngày, đêm. Khu vực cố thủ đã sụp đổ, chúng tôi không thể được tăng cường, tiếp tế lương thực và y tế. Hàng nghìn người đã chết… thật là khủng khiếp! Khi chiến tranh kết thúc, tôi bị bắt làm tù binh và được trả tự do trở về Pháp tháng 7/1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết. Tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về những con người trên mảnh đất này vì vậy tôi đã trở lại Việt Nam 6 lần kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi sẽ không bao giờ quên Việt Nam… Theo một nguồn tin của đồng nghiệp mà chúng tôi có được, tại ngôi nhà của Allaire ở thành phố Tours, cách thủ đô Paris khoảng 250km, trên tủ sách của gia đình ông có khoảng 1.500 cuốn sách về Việt Nam. Phần lớn trong số đó là sách về chiến tranh Ðông Dương và Ðiện Biên Phủ. Ðó là minh chứng cho thấy thời gian tham chiến tại Việt Nam đã ám ảnh ông như thế nào. Khi cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc, Allaire là một trong những người lính may mắn lành lặn trở về Pháp nhưng ông lại bị thương trong một tai nạn khi nhảy dù vào khoảng năm 1970. Thương tật cộng với tuổi cao nên đôi chân của ông Allaire rất yếu và khi đi lại luôn phải nhờ sự hỗ trợ của chiếc ba toong. Lần này cũng vậy, để lên được Ðồi A1 trò chuyện với Thủ tướng Pháp và các thành viên trong đoàn, ông Allaire đã được đặc cách đưa lên bằng một chiếc xe ô tô cùng với một vài cựu binh lớn tuổi khác. Bên cạnh xác của chiếc xe tăng phải nằm lại trên đỉnh đồi, ông Allaire kể cho Thủ tướng Pháp những chuyện đã xảy ra trên mảnh đất này từ hơn 60 năm trước: “Tại ngọn đồi này, suốt 38 ngày đêm, quân đội Pháp và Việt Nam đã đối đầu bằng đại bác, súng cối và súng máy. Có những lúc chúng tôi chỉ cách nhau khoảng hơn chục mét. Ðể xâm nhập được vào đây, những người lính của Tướng Giáp đã đào một đường hầm hẹp và dài vài chục mét dưới lòng đất. Sau đó họ đem theo gần 1 tấn thuốc nổ và cho nổ tung ngay gần khu vực chỉ huy, mặt đất rung chuyển và đất đá bắn tung lên trời để lại một cái hố rộng và sâu hàng chục mét… và họ đã chiếm giữ ngọn đồi này”. Trong ánh nắng chiều đã dịu, trên đỉnh Ðồi A1 - nơi từng là cứ điểm quan trọng nhất của quân đội Pháp trên chiến trường này, Allaire một lần nữa lặng lẽ phóng tầm mắt quan sát trận địa cũ. Thay vì những cảnh đổ nát là một thành phổ trẻ xinh đẹp đang vươn mình phát triển và đổi thay mạnh mẽ. Những đốm trắng phía xa xa không phải các phi công thuộc tiểu đoàn dù năm xưa mà đó là những cánh cò trắng đang bay lượn trên nền xanh biếc của cánh đồng Mường Thanh bát ngát. Ở tuổi 94, Jacques Allaire không chắc chắn là mình sẽ có cơ hội trở lại Ðiện Biên Phủ thêm lần nữa. Nhưng những đổi thay mà ông cùng những viên chức Pháp và ngài Thủ tướng đang chứng kiến, chắc hẳn trong lòng ông đã phần nào vơi đi những ám ảnh của chiến tranh…
Tác giả: Văn Thành Chương