Phát huy vai trò của mạng xã hội VCNet trong việc định hướng dư luận xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chủ nhật - 05/12/2021 22:20
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định mạng xã hội VCNet là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan toả thông tin tích cực, góp phần định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
vcnet.jpg

Mạng xã hội VCNet đã có khoảng 2 triệu tài khoản người dùng

1. Mạng xã hội VCNet đóng góp tích cực vào công tác tuyên giáo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay ở nước ta đang tồn tại hai loại mạng xã hội (MXH): (1). MXH do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; (2). Các MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam còn hạn chế.

Tính đến tháng 5/2021, Việt Nam có 740 mạng xã hội trong nước được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 90 triệu tài khoản người dùng, đứng đầu là Zalo với khoảng 55 triệu tài khoản, Mocha 15 triệu tài khoản... So với các MXH trong nước có số lượng lớn nhưng lượng người sử dụng thấp, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội hạn chế, các MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam tuy ít, nhưng số lượng người sử dụng rất nhiều, tính tương tác cao, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội rất lớn (Facebook: 67 triệu tài khoản, Youtube: 35 triệu tài khoản...).

Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận của MXH, tin giả, phát ngôn gây thù hận, thông tin xấu độc trên MXH đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Hiện nay, việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, mặt trái của MXH đang tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng internet, MXH để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác quản lý thông tin trên MXH.

Năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng và triển khai Hệ thống Thông tin điện tử Tuyên giáo VCNet (mạng xã hội VCNet) với phương châm “Tuyên giáo đi trước, đi cùng, hướng mạnh về cơ sở”. Việc triển khai đưa vào vận hành mạng VCNet nhằm đổi mới phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tăng cường ứng dụng công nghệ trong điều hành, tăng cường kết nối, tương tác trong ngành Tuyên giáo và giữa ngành Tuyên giáo với cộng đồng trong tình hình mới.

Khai trương ngày 11/6/2019, sau hơn 2 năm hoạt động, mạng VCNet đã đạt được một số kết quả bước đầu, số người dùng tăng nhanh, đến nay đạt xấp xỉ 2 triệu tài khoản người dùng và số tài khoản đăng ký mới hiện vẫn tiếp tục tăng. Trong thời gian qua, VCNet đã trở thành phương tiện để kết nối người dùng, là diễn đàn để người dùng chia sẻ, lan tỏa nhiều thông tin hữu ích, như: Chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái; thông tin góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; gương người tốt, việc tốt; thông tin giải trí lành mạnh… (Số liệu truy xuất trên hệ thống tại thời điểm ngày 15/10/2021: Số lượng bài đăng: 253.805; số lượt bình luận: 103.320; có 14 triệu lượt truy cập từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, 117 triệu lượt xem...).

Cùng với việc phát triển nhanh về số lượng người dùng, mặc dù mới ra đời, VCNet đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tuyên giáo. Từ tháng 8 đến tháng 12/2019, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNet đã thu hút hơn 3,2 triệu lượt người dự thi. Tiếp theo, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng VCNet diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7/2020 đã thu hút hơn 6,2 triệu lượt người dự thi. Trong hai năm 2020 và 2021, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng VCNet diễn ra trong 40 tuần đã thu hút hơn 4,6 triệu lượt người dự thi. Tiếp nối thành công của các Cuộc thi trước, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet, dự kiến diễn ra trong 15 tuần (từ ngày 13/10/2021 đến ngày 26/1/2022).

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định VCNet là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan toả thông tin tích cực, góp phần định hướng dư luận xã hội, từ đó hạn chế phần nào ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin do các MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

 2. Cần khắc phục những hạn chế của mạng xã hội VCNet

Ngày 11/6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương khai trương Hệ thống thông tin điện tử Tuyên giáo VCNet (MXH VCNet); tiếp đó, ngày 11/7/2019, Lãnh đạo Ban ban hành Quyết định số 2245-QĐ/BTGTW thành lập Tổ Biên tập và quản trị nội dung Hệ thống thông tin điện tử Tuyên giáo VCNet với tổng số 46 người, trong đó có 32 người là cán bộ, phóng viên của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 14 người là cán bộ, chuyên viên các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thực hiện kết luận của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 13/4/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Quyết định số 2832-QĐ/BTGTW, bổ sung nhiệm vụ cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vận hành và quản trị nội dung (cấu phần động), Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý phần tác nghiệp (cấu phần tĩnh), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) vận hành, khai thác và duy trì hoạt động của VCNet.

Hơn hai năm qua, sau khi được tiếp nhận một công việc hoàn toàn mới là quản trị nội dung mạng xã hội, trong điều kiện phải làm việc với chế độ kiêm nhiệm, các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở lịch trực được xây dựng hàng tháng và triển khai thực hiện liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin do người dùng đăng tải lên mạng VCNet, từ đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng trăm lượt bài đăng có nội dung xấu độc như: Thông tin xuyên tạc, thù địch, chống phá chế độ, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm anh hùng dân tộc; thông tin cổ súy, quảng bá, mời tham gia cá độ, cờ bạc; thông tin dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam… Đồng thời, trên cơ sở định hướng công tác thông tin, tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet cũng tích cực đăng tải các bài viết có nội dung tích cực, với phương châm “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Hàng nghìn bài viết do các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung đăng tải trong thời gian qua đã phản ánh về mọi mặt đời sống xã hội, gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của mạng VCNet trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể như sau:

- Giai đoạn đầu, cơ sở hạ tầng của VCNet được thiết kế đáp ứng cho hoạt động của khoảng 1 triệu người dùng, nhưng do số lượng người dùng tăng nhanh (gần gấp đôi) nên đôi khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”, số lượng người tham gia lớn, hệ thống thường xuyên gặp sự cố.

- Có thời điểm việc đăng ký, đăng nhập khó thực hiện; hoạt động của hệ thống không ổn định; đã có hàng triệu lượt người đã truy cập vào hệ thống nhưng không đăng ký hoặc không đăng ký được tài khoản (có một số đăng nhập chỉ để tham khảo, nghiên cứu thông tin về các cuộc thi).

- Một số tính năng của mạng hoạt động chưa ổn định, chức năng quản trị còn thiếu. Đặc biệt, chưa có các ứng dụng, chức năng tương tác cơ bản của mạng xã hội như chia sẻ video, gọi điện thoại, video trực tuyến, live stream,… chưa có phương thức, giao thức kết nối (API) với các ứng dụng, mạng xã hội khác.

- Kinh phí duy trì, vận hành (năm 2021) chưa đáp ứng được yêu cầu. Tháng 10/2021, dịch vụ SMS brandname (dịch vụ tin nhắn hỗ trợ đăng ký tài khoản) đã hết kinh phí.

- Việc phối hợp giữa đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành mạng VCNet (Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Công ty Giải pháp công nghệ Viettel) chưa được chặt chẽ, chưa có quy định, kế hoạch phân công nhiệm vụ rõ ràng.

-  Nội dung trên VCNet chưa phong phú, chưa có sự tham gia mạnh mẽ của các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo trong cả nước nên chưa hấp dẫn người dùng, lượng tương tác còn thấp.

3. Đề xuất, kiến nghị

Từ thực tế hoạt động trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng VCNet trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet xin đề xuất lãnh đạo Ban một số kiến nghị như sau:

1. Ban Chỉ đạo VCNet tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, vận hành mạng VCNet.

2. Xây dựng đề án, kế hoạch, lộ trình đầu tư, xây dựng và phát triển VCNet đạt mục tiêu 10 triệu tài khoản ngưởi dùng.

3. Xây dựng các phương án nâng cấp, phát triển VCNet cho từng đối tượng người dùng cụ thể để bảo đảm tính hiệu quả. Nên chăng xác định đối tượng người dùng chủ yếu của VCNet là cán bộ, đảng viên, trước mắt là cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo và có chỉ đạo thực hiện thống nhất trong cả nước?

 4. Xây dựng quy chế, quy định, kế hoạch cụ thể, rõ ràng giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành mạng VCNet. Dự toán kinh phí duy trì, vận hành VCNet hàng năm cần sát với thực tế và có dự phòng cho các nhiệm vụ phát sinh.

5. Nâng cấp các chức năng điều hành tác nghiệp, quản trị nội dung, quản lý tài khoản người dùng; bổ sung các ứng dụng mới (đăng tải video, call, chat, live tream...); xây dựng ứng dụng mới về tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên VCNet.

6. Cùng với cấu phần động là mạng xã hội, đề nghị sớm triển khai hoạt động cấu phần tĩnh của VCNet (đăng tải các văn bản chỉ đạo, thông tin công tác tuyên giáo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ,…) của Ban Tuyên giáo Trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng, chỉ đạo, điều hành ngành Tuyên giáo./.

ThS. Phạm Đức Thái, Uỷ viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây