Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, các phương tiện truyền tải thông tin ngày càng hiện đại, tiện dụng; hơn nữa, các loại sách, báo tại các thư viện ít được bổ sung các đầu sách đã khiến cho thói quen và nhu cầu đọc sách trong xã hội có xu hướng giảm. Trước thực trạng đó, công tác luân chuyển, trao đổi sách báo giữa các cấp, các ngành, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã và đang được triển khai rộng rãi, hiệu quả. Đặc biệt, hằng năm, thông qua các sự kiện như: Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ học tập suốt đời… các đầu sách liên tục được chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, nhất là từ Thư viện tỉnh đến thư viện các cơ sở. Tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, công tác luân chuyển sách, báo, tạp chí hằng năm được đơn vị rất quan tâm. Điều đó được khẳng định khi cuối năm 2021 vừa qua, nhà trường đã tổ chức trang trọng lễ ký kết chương trình phối hợp luân chuyển, trao đổi sách, báo, tài liệu với Thư viện tỉnh. Ông Trần Bá Uẩn, Quyền Hiệu trưởng nhà trưởng chia sẻ: "Trước đây, việc luân chuyển sách, báo giữa nhà trường với một số đơn vị khác vẫn được triển khai thực hiện, song chưa có trọng tâm, bài bản. Các đầu sách, báo, tài liệu tuy nhiều, song chưa phong phú. Chính vì thế, hoạt động ký kết với Thư viện tỉnh rất quan trọng, bởi không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, giải trí và thực hành kỹ năng nghề của viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên mà còn tăng cường phát triển các tiện ích thư viện, các dịch vụ thư viện hiện đại".
Học sinh Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Điện Biên) đọc sách, tìm hiểu kiến thức tại thư viện nhà trường.
Theo ông Trần Bá Uẩn, sau khi ký kết, 2 đơn vị sẽ cùng nhau đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của các cuốn sách, việc đọc sách; đồng thời tổ chức luân chuyển, trao đổi sách, báo, luận văn, đề tài, sáng kiến kinh nghiệm xuất sắc giữa Thư viện tỉnh và thư viện trường (2 lượt/năm). Hằng năm, Thư viện tỉnh cũng sẽ hỗ trợ bổ sung sách hạt nhân cho thư viện nhà trường. Cùng với đó, tạo điều kiện để viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên nhà trường làm thẻ bạn đọc…
Để việc luân chuyển sách, báo được triển khai đa dạng, linh hoạt, đặc biệt, thiết thực thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” của UBND tỉnh, hằng năm Thư viện tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, bưu điện và các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh triển khai hiệu quả công tác luân chuyển sách báo đến các trường học, đồn biên phòng, điểm bưu điện văn hóa xã; đồng thời phối hợp tổ chức các cuộc thi như: Đại sứ văn hóa đọc, vẽ tranh theo sách...
Được đánh giá là một trong những đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu từ thư viện trường học, hiện nay, Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Điện Biên) có gần 500 bộ sách thuộc tủ sách giáo khoa dùng chung; trên 600 bản sách nghiệp vụ của giáo viên; gần 4.000 bản sách tham khảo… Ông Trần Quang Ngư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Phần đông học sinh nhà trường rất chăm chỉ đọc sách. Nhiều em có tinh thần tự giác học tập rất cao". Theo thầy Ngư, thông qua nguồn tư liệu từ Thư viện tỉnh chuyển xuống và một số đơn vị khác trao đổi, cho tặng đã giúp học sinh lĩnh hội nhiều giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân. Cũng vì lợi ích to lớn của việc đọc sách nên nhà trường cũng thường xuyên bổ sung sách, báo, tạp chí, cơ sở vật chất nhằm xây dựng thư viện khang trang, phong phú chủng loại, tạo cảm hứng cho học sinh và giáo viên. Đến nay, thư viện của nhà trường đã đạt thư viện tiên tiến.
Cũng là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc sử dụng, phát huy hiệu quả sách, báo tại thư viện trường học sau luân chuyển, những năm qua, Trường Trung học cơ sở Tân Bình (TP. Điện Biên Phủ) đã tạo cho học sinh nhà trường có một sân chơi, không gian đọc sách ý nghĩa, hiệu quả; giúp học sinh lĩnh hội nhiều giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp, nhất là hình thành văn hóa đọc để lan tỏa tới cộng đồng. Theo đó, từ việc phát huy giá trị thư viện, tủ sách trường học, hình thành văn hóa đọc cho học sinh, năm 2020 vừa qua, tham gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, Trường Trung học cơ sở Tân Bình có 2 học sinh đoạt giải cao ở cấp quốc gia gồm: 1 giải nhì và 1 giải ba. Đây là kết quả đáng tự hào của tập thể nhà trường cũng như cá nhân học sinh.
Ông Mai Thế Mạnh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: "Nhờ thường xuyên được bổ sung các đầu sách nên kho sách của Thư viện tỉnh cơ bản phong phú. Hiện nay, vốn tài liệu có trong các kho sách, báo, tạp chí… của thư viện trên 125.000 bản với nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Văn hoá, xã hội, y tế, nông nghiệp, pháp luật, đời sống… Đối với công tác luân chuyển sách, mỗi năm, Thư viện tỉnh tổ chức trên hàng trăm đợt luân chuyển sách xuống cơ sở cùng hàng chục chuyến xe thư viện lưu động đến các điểm dân cư, trường học trên địa bàn".
Theo ông Mạnh, trong thời gian qua không chỉ đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin đa dạng và ngày càng cao của độc giả, Thư viện tỉnh thường xuyên quan tâm tới việc trang bị cho bạn đọc kỹ năng sử dụng thư viện, phương pháp đọc sách hiệu quả; tìm kiếm, định hướng lựa chọn thông tin… Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức xã hội về sự cần thiết của việc đọc sách, thị hiếu đọc sách lành mạnh; từ đó góp phần đưa sách trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong xu thế hội nhập.