DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 19/01/2021 22:00
Phát triển Đài Truyền thanh cấp xã để tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân đang được cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Điện Biên quan tâm đầu tư. Trong đó, việc đảm bảo duy trì hoạt động và nâng cao diện phủ sóng luôn là một khó khăn lớn. Áp dụng công nghệ, kỹ thuật với phương thức truyền thanh Internet đang là giải pháp kỹ thuật tối ưu cần được ưu tiên trong việc phát triển các Đài Truyền thanh cấp xã hiện nay.
Việc thay đổi kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền thanh từ hữu tuyến sang vô tuyến qua sóng FM là một bước tiến mới về kỹ thuật đối với các Đài Truyền thanh cấp huyện và xã trong suốt những năm vừa qua. Tuy nhiên, khi phát triển các đài truyền thanh cấp xã đối với khu vực miền núi như tỉnh Điện Biên hiệu quả đạt được không cao, do địa hình phức tạp, sóng Truyền thanh - FM nhiều điểm không thể vươn tới được. Hiện tại toàn tỉnh Điện Biên có 94/129 số xã có đài truyền thanh (chiếm 72,9%), trong đó có 71 xã đang quản lý Đài Truyền thanh theo công nghệ vô tuyến qua sóng FM (đài truyền thanh không dây). Hầu hết các Đài này đều gặp những khó khăn, nhất là những đài ở khu vực vùng sâu, xa như ở huyện Mường Nhé. Ngoài những khó khăn trong duy trì hoạt động thì diện phủ sóng của đa phần các đài này đều rất hạn chế. Đài Truyền thanh không dây cấp xã hiện nay đều có cột an ten chiều cao không quá 15m, công suất máy phát không quá 50W, do vậy ở nhiều xã chỉ có khoảng 30% số bản có thể nghe được đài Truyền thanh xã. Như vậy, với phương thức truyền sóng FM như hiện nay và những thiết bị hiện có, các xã không thể đảm bảo công tác tuyên truyền hiệu quả như mong muốn. /uploads/news/2021_01/333.jpg Đ/c Chu Xuân Trường, Giám đốc Sở TT&TT (giữa) kiểm tra hệ thống trạm phát thanh do Vingroup tài trợ xã Mường Toong huyện Mường Nhé. Một phương thức truyền thanh mới đang được áp dụng ở nhiều địa phương hiện nay, đó là Truyền thanh sử dụng phương thức truyền, đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet (truyền thanh ứng dụng CNTT-Viễn thông). Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 23 xã đang áp dụng phương thực truyền thanh này. Hệ thống gồm loa, SIM 3G kèm bộ phát wifi và thiết bị chuyên dụng giải mã dữ liệu, âm thanh qua Internet đặt tại các thôn, bản. Đây là thiết bị truyền thanh hiện đại đồng bộ với máy chủ đặt ở trạm truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet. Sau một thời gian hoạt động bước đầu có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức truyền thanh bằng sóng radio - FM. Tín hiệu âm thanh truyền qua Internet hầu như được giữ nguyên chất lượng và không giới hạn khoảng cách truyền; đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, tập trung, đồng bộ, chính xác và chặt chẽ hơn. Điều này rất phù hợp khi áp dụng đối với khu vực miền núi như Điện Biên. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên hầu hết các bản đều có sóng điện thoại 3G, hoặc Internet cáp quang, do vậy khi đài Truyền thanh xã thực hiện việc truyền tín hiện phát thanh qua hệ thống internet sẽ rất thuận lợi. Công tác truyền thanh của xã không những rộng khắp hơn mà còn được các nhà mạng cùng chung tay kiểm soát chặt chẽ. Truyền thanh qua Internet đã khắc phục được các lỗi như: Âm thanh nhiễu, sóng không ổn định, chập chờn do thời tiết thường xảy ra với các hệ thống Truyền thanh - FM trước đây. Đặc biệt là Truyền thanh ứng dụng CNTT- Viễn thông có thể phủ sóng được hầu hết các bản trên địa bàn. Ngoài những ưu điểm về chất lượng âm thanh và khoảng cách chuyển tín hiệu nói trên, thực hiện truyền thanh qua mạng Internet còn rất thuận lợi trong việc phát các chương trình truyền thanh của xã, huyện và tỉnh. Người quản trị có thể phân cấp quản lý việc vận hành, khai thác thiết bị và kiểm soát nội dung phát sóng các chương trình phát thanh của địa phương theo nhiều cấp. Quá trình vận hành, khai thác thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Người quản lý chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh đã có thể vận hành, khai thác ở bất cứ đâu. Quá trình điều khiển, sắp xếp chương trình, lập lịch thời gian phát sóng cho các thiết bị đều được thực hiện trên môi trường mạng, vì vậy sẽ rất thuận tiện. Đối với việc truyền tín hiệu âm thanh từ đài huyện tới các đài xã cũng thuận tiện và chính xác hơn; đặc biệt khi cần thiết đài truyền thanh huyện có thể kiểm soát, điều khiển quá trình hoạt động đối với các điểm phát sóng của từng bản, qua đó việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó việc tự động phát sóng Truyền thanh trên hệ thống loa truyền thanh, các thính giả quan tâm có điện thoại thông minh còn có thể nghe các chương trình phát thanh của địa phương mình tại bất cứ đâu. Chính vì những ưu việt này mà việc lựa chọn thiết bị truyền thanh Internet để đầu tư phát triển các Đài Truyền thanh cấp xã là điều tối ưu nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển Đài Truyền thanh xã theo phương thức này cũng đỏi hỏi người quản lý, vận hành khai thác phải có trình độ kỹ thuật tin học nhất định. Các đơn vị cung cấp thiết bị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng để đảm bảo độ rộng của băng thông trong quá trình truyền tín hiệu, nhằm hạn chế tối đa những hiện tượng ngắt quãng, giãn đoạn trong quá trình phát thanh. Có thể nói, Truyền thanh ứng dụng CNTT- Viễn thông là dạng phát thanh của hiện tại và tương lai, là xu thế tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng Đài Truyền thanh xã theo công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh như hiện nay đã góp phần hiện đại hóa công tác tuyên truyền, thể hiện vai trò cầu nối cung cấp các thông tin chính xác, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.